Tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp bám trụ thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quý I/2024, số lượng doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường vẫn tiếp đà tăng, nhưng so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng này là không đáng kể. Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng mạnh. Thực tế này đòi hỏi phải tăng tốc hỗ trợ bằng những giải pháp thực chất, giúp DN bám trụ thị trường.
Có 36.244 doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2024, chủ yếu trong các lĩnh vực vận tải, kho bãi; khai khoáng; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; chế biến, chế tạo; giáo dục và đào tạo… Ảnh: Nhã Chi
Có 36.244 doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2024, chủ yếu trong các lĩnh vực vận tải, kho bãi; khai khoáng; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; chế biến, chế tạo; giáo dục và đào tạo… Ảnh: Nhã Chi

Gần 74.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 36.244 DN thành lập mới trong quý I/2024, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ 33.905 DN).

Số ngành kinh tế có số lượng DN thành lập mới trong quý I là 11/17 ngành kinh tế, tăng 3 ngành so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có số DN thành lập mới tăng điển hình như: vận tải, kho bãi; khai khoáng; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; công nghiệp chế biến, chế tạo; giáo dục và đào tạo… Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong quý I/2024 là 258.750 lao động, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, nếu như quý I năm ngoái chỉ có khu vực Đồng bằng sông Hồng có sự gia tăng về số DN đăng ký thành lập mới thì trong quý I/2024, cả 6 khu vực trên cả nước đều tăng.

Cùng với số DN thành lập mới tăng, 23.604 DN đã quay trở lại hoạt động, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023. DN quay trở lại hoạt động ở 8/17 ngành kinh tế, tăng 1 ngành so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trong quý I có gần 74.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ 60.241 DN), trong đó, có 53.365 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 24,5%. “Số liệu này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn nhiều khó khăn”, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét.

Đại diện một số hiệp hội DN nước ngoài như: Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam… cho biết, thủ tục hành chính vẫn là “nút thắt” trong hoạt động của DN và cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Trao đổi với phóng viên, một số nhà thầu cho biết đang gặp nhiều khó khăn do biến động giá vật liệu, nhân công, thiếu việc làm... Đặc biệt, tình trạng chậm trễ trong việc thanh toán hợp đồng các gói thầu đã hoàn thành đang ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền, làm suy kiệt sức khỏe tài chính của DN.

Tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp

Mới đây, nhiều tổ chức kinh tế đưa ra dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới. Theo các tổ chức này, Việt Nam có vị trí thuận lợi để thu hút những khoản đầu tư lớn từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,7%, trong đó GDP sẽ tăng tốc từ 6,2% trong nửa đầu năm lên mức 6,9% trong nửa cuối năm nay.

Trong chia sẻ gần đây, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, các động lực tăng trưởng truyền thống đang phục hồi, sức khỏe tài chính của DN đã qua giai đoạn khó khăn nhất… Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN sẽ bớt khó khăn hơn, hoạt động gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường sẽ sôi động.

Song trước mắt, DN đang phải đối mặt với những khó khăn như đơn hàng phục hồi nhưng chậm; chi phí logistics cao; thủ tục hành chính có cải thiện nhưng vẫn cồng kềnh… Để hỗ trợ DN vượt khó, theo các chuyên gia, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, nhất là về đất đai, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh thị trường vốn hỗ trợ DN một cách mạnh mẽ và thực chất. Qua đó, nền kinh tế không chỉ khai thác tốt các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn khai thác được các động lực tăng trưởng mới từ xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, từ đó thôi thúc tinh thần kinh doanh của người dân, DN.

Từ góc độ DN, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest), Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất, cấp có thẩm quyền cần nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, bởi hầu như các ngành kinh tế đều liên quan chặt chẽ đến ngành bất động sản.

Về vấn đề thủ tục hành chính, một số ý kiến cho rằng, cải cách cần tăng tốc hơn nữa để DN không bị bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục