Tăng trưởng kinh tế bằng các giải pháp căn cơ

(BĐT) - Con đường Việt Nam phải đi không chỉ nhằm đạt tăng trưởng cao trong ngắn hạn, mà phải giải quyết được mâu thuẫn giữa tăng trưởng nhanh và bền vững. Và vì thế, như cách ví von của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tăng trưởng và phát triển là cuộc marathon đường trường, chứ không phải là một cuộc chạy đua nước rút. 
Thủ tướng đối thoại chính sách với các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng đối thoại chính sách với các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018. Ảnh: Quang Hiếu

Đó là thông điệp được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 vừa diễn ra.

Tăng trưởng toàn diện

Tại Diễn đàn, GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, 2017 là năm hiếm hoi mà 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch Quốc hội đã đề ra. Trong đó, 2 chỉ tiêu quan trọng và được quan tâm nhiều nhất là tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát đều đạt kết quả ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất trong suốt 10 năm qua. Tỷ lệ lạm phát ở mức thấp 3,53%.

“Chính sách hợp lý và hành động quyết liệt của Chính phủ đã đạt được thành quả bước đầu tích cực trong năm 2017. Động lực quan trọng cho nền kinh tế là niềm tin thị trường được tạo dựng, năng lực cạnh tranh được nâng cao và môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Từ đó tạo ra các kết quả kinh tế ấn tượng, tích cực khác như tăng trưởng kinh tế ở mức cao, tỷ lệ lạm phát thấp, chỉ số chứng khoán tăng cao, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh” - GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn phân tích.

Tuy nhiên, đề cập về những kết quả đạt được năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành quan tâm đặc biệt tới các chỉ số phát triển về các vấn đề xã hội khi tỷ lệ đói nghèo giảm, các huyện nghèo trong Chương trình 30A giảm. Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng, các số liệu như tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có chỉ số môi trường đạt tỷ lệ tốt, đạt chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ bao phủ, trồng rừng mới đã đạt được trong năm 2017 cần được nhìn nhận, đánh giá đúng, khách quan.

Theo Thủ tướng, điều tâm đắc là năng lực cạnh tranh của Việt Nam được thế giới đánh giá tăng 5 bậc, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc, chỉ số tín nhiệm của ngân hàng từ ổn định đến tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực, chỉ số phát triển bền vững tăng 20 bậc…

“Cùng với các vấn đề khác về chỉ tiêu vĩ mô, sự phát triển kinh tế của đất nước đã được quan tâm toàn diện, đặc biệt là những vấn đề công nghiệp, cách mạng 4.0, kịch bản biến đổi khí hậu..., nhờ đó có những biện pháp căn cơ để phát triển kinh tế một cách toàn diện, bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. 

Tăng trưởng là cuộc đua đường trường

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kinh tế Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải ổn định được kinh tế vĩ mô và bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Muốn làm được điều đó, phải xây dựng được chính sách tài khóa, vận hành nền tài chính ngân sách đi theo hướng tích cực, lành mạnh; tiến tới cân đối được thu chi ngân sách, giảm được bội chi, giảm nợ công.

Cùng với đó, ngân sách của chúng ta không thể dựa vào nguồn tài nguyên, càng không thể dựa vào thuế xuất nhập khẩu vì Việt Nam đã tham gia WTO, 12 hiệp định thương mại tự do. Do đó, ngân sách phải dựa vào thu nội địa và quan trọng hơn là phải điều chỉnh được chính sách thu. Ông Hiển nhấn mạnh, với thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì phải tuân thủ các hiệp định này, nhưng một số loại thuế khác có thể điều chỉnh để phù hợp với sự tăng trưởng nhanh và bền vững.

“Đơn cử, một số loại thuế như thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân thì cần phải giữ ổn định để tạo điều kiện thu hút đầu tư. Nhưng một số loại thuế (thuế tài nguyên, thuế môi trường) thì cần phải điều chỉnh cao hơn để bảo đảm khuyến khích sử dụng tài nguyên tái tạo, bảo vệ môi trường”, ông Hiển nhấn mạnh.

Về mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là 2 mục tiêu có vẻ mâu thuẫn với nhau, nhưng nhiều quốc gia khác trong khu vực đã cùng lúc đạt được 2 mục tiêu này. “Vậy họ đã làm gì để đạt được hai mục tiêu tưởng chừng như mẫu thuẫn nhau này?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng kinh tế là cuộc đua đường trường, không phải là cuộc chạy đua nước rút. “Chúng ta hãy cùng nỗ lực để tận dụng triệt để cơ hội, phát huy tối đa tiềm lực của nền kinh tế”, Thủ tướng ví von.

Đối với những giải pháp cho tăng trưởng bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến các giải pháp căn cơ nhằm tăng cường nội lực cho nền kinh tế để có thể đủ sức chống chịu và vượt qua những cú sốc. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cần phải nâng cao năng suất lao động tổng hợp trong bối cảnh năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp và còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Việc áp dụng khoa học công nghệ, các giải pháp của nền công nghiệp 4.0, kinh tế số đang đặt ra cho Việt Nam cần những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Ngoài ra, cần tiếp tục giảm chi phí (đầu tư công, chi phí của doanh nghiệp) để sản phẩm của Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn về giá thành; nền giáo dục quốc gia cần đổi mới để phù hợp với sự phát triển. Cùng với đó là công cuộc chống tham nhũng, lợi ích nhóm để nền kinh tế có thể thu hút được đầu tư tốt hơn.