Tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua chủ yếu thuộc về các nhóm ngành do DN FDI chi phối như điện thoại, máy tính và máy móc thiết bị khác |
Cơ hội và thách thức đan xen
Dự báo về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam năm 2018, Bộ Công Thương cho rằng, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu của nước ta. Ở trong nước, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, những cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu nhằm tiết giảm thời gian và chi phí được đẩy mạnh. Nhiều dự án lớn trong các ngành điện tử, viễn thông, công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến chế tạo được đầu tư trong thời gian qua sẽ bước vào khâu sản xuất, xuất khẩu, hứa hẹn tạo nguồn hàng lớn hơn cho xuất khẩu. Cùng với đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: giầy dép, dệt may, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nông sản và thủy sản tiếp tục được hưởng lợi lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết thời gian qua.
Tuy nhiên, xuất khẩu năm 2018 tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức. Bởi lẽ, kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu… có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều; giá cả các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cũng có thể thay đổi. Xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng, các nước nhập khẩu ngày càng đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật, hàng rào thương mại...
Một khó khăn khác được ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chỉ ra là tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chưa thực sự bền vững. “Năm 2017, tăng trưởng xuất khẩu không đến ngay từ đầu năm mà đến tháng 8 mới có sự bứt lên, lúc đấy xuất khẩu mới vượt nhập khẩu. Quan trọng hơn, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu thuộc về 3 nhóm ngành (điện thoại, máy tính và máy móc thiết bị khác) mà 3 nhóm này đều do DN FDI chi phối”, ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, việc Việt Nam tham gia nhiều FTA cho thấy đây là cơ hội cho xuất khẩu, nhưng không nên quá hứng khởi. Cơ hội chỉ đạt được khi Việt Nam đáp ứng được các điều kiện về quy tắc xuất xứ, luật chơi… quy định tại các FTA chúng ta ký kết. Thậm chí, những con số tăng trưởng xuất khẩu cao có thể biến Việt Nam thành “bia đỡ đạn”, là đối tượng dễ bị các nước nhòm ngó, trả đũa bằng cách hạn chế nhập khẩu, do đó cần hết sức lưu ý.
Đồng tình với lưu ý này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm, “thành tích xuất khẩu năm 2017 là đáng ghi nhận, nhưng sẽ tốt hơn khi nhìn vào thực chất nền kinh tế Việt Nam để có hướng phát triển dài hạn, bền vững”.
Nâng cao năng lực nắm bắt cơ hội
Cảnh báo về tình hình sức khỏe, năng lực của DN xuất khẩu Việt Nam hiện nay, TS. Đặng Đức Anh (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia) cho rằng, các DN xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, Việt Nam vẫn thiếu những DN lớn, có năng lực cạnh tranh tốt. Do đó, việc củng cố năng lực cho các DN này để nắm bắt tốt hơn các cơ hội mang lại từ các FTA là hết sức cần thiết.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững của Việt Nam, TS. Đặng Đức Anh cho rằng, đây là bài toán dài hơi, cả Chỉnh phủ, bộ ngành và địa phương cùng chung tay tìm lời giải. Trước hết, các DN xuất khẩu Việt Nam phải được nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh kết nối, tăng sức lan tỏa giữa khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với DN trong nước. Với năng lực hiện tại, DN Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành vệ tinh cho các DN lớn. Khi có đủ nội lực, các DN vệ tinh sẽ tự vươn lên trở thành DN lớn.
Để việc tham gia nhiều FTA không trở thành “con dao hai lưỡi” khi năng lực DN trong nước còn hạn chế, ông Dương cho rằng, các FTA thế hệ mới liên quan nhiều đến cải cách. Do vậy, để tận dụng được cơ hội từ các FTA này thì Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, các DN Việt Nam cần chú ý gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu để các nước công nhận chứ không chỉ mang tiếng là nước gia công hay “xuất khẩu hộ”.