Avishay Braverman, chuyên gia về ĐMST của Israel chia sẻ thông tin này tại Hội thảo Nền kinh tế đổi mới sáng tạo: “Kinh nghiệm của Israel” diễn ra sáng ngày 19/6, tại Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam sẽ tận dụng được những kinh nghiệm gì từ Israel để phát triển khởi nghiệp và ĐMST?
ĐMST ở Israel được đẩy mạnh ở mọi lĩnh vực khoa học công nghệ, bao gồm: nông nghiệp, mạng…Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
“Nền tảng của công nghệ cao tại Israel xuất phát từ nông nghiệp. Đến nay, nước và công nghệ nông nghiệp của Israel đang có ảnh hưởng toàn cầu với trên 50% hệ thống tưới áp suất thấp và 350 nhà máy khử mặn trên 40 quốc gia. Israel là nước đứng đầu thế giới về việc gom nước thải, xử lý và tái xử dụng và đang hợp tác với nhiều tổ chức trên thế giới để chia sẻ bí quyết” GS. Avishay Braverman cho biết.
Nhìn về tiềm năng thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam, GS.Avishay Braverman nhận định, Người Việt Nam thông minh không kém người Isreal, thậm chí hơn người Mỹ. “Thực tế, các bạn đang có một “tiền đề” tốt để phát triển “nhảy vọt” từ việc cần kiến tạo con đường đi cho chính mình tiến tới sự thịnh vượng”. Điều này chỉ có thể đạt được nếu Việt Nam coi đó là yêu cầu cần thiết, từ đó có những bước đi để đạt mục tiêu”, GS Avishay Braverman nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, xem cuộc cách mạng CMCN 4.0 là một cơ hội to lớn cho nền kinh tế để có thể “bắt kịp, đi cùng và vượt lên”, những nền móng cho tăng trưởng nhanh và bền vững đang được tích cực xây dựng. Chính phủ đang thực hiện chủ trương, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu dựa trên cơ sở khoa học công nghệ và ĐMST.
Bộ KH&ĐT đã và đang tích cực xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN4.0. Bộ KH&ĐT cũng chủ động đề xuất Chính phủ thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để hiện thực hóa khát vọng này… Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng mới đây cho biết: “Nếu không có gì thay đổi thì NIC sẽ được khởi công vào cuối năm 2019 và có thể đưa vào vận hành vào năm 2020”.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhìn nhận: “Mầm thành công trong cuộc CNCN đang có. Ý tưởng thành lập NIC có nhiều điểm mới, đặc biệt, đây cũng là Trung tâm có thể chế vượt trội với hàng loạt cơ chế ưu đãi, khuyến khích thúc đẩy ĐMST”.
“So sánh điểm xuất phát của Israel trước khi thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST thì hoạt động này ở Việt Nam hiện có nhiều điều kiện hơn hẳn. Chúng ta có dân số và diện tích tương đối lớn, nhưng thực tế GDP/người là một nước nghèo. Vậy đâu là chìa khóa để chúng ta bứt phá, để nhảy vọt trong cuộc CMCN4.0?”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương trăn trở. Để thúc đẩy hoạt động này trong thời gian tới, ông Cung cho rằng, cần thay đổi tư duy để có cách quản lý mới mang lại hiệu quả thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST; có chính sách giữ người tài, nuôi dưỡng nhân tài mới để tạo động lực cho họ cống hiến….
Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, GS.Avishay Braverman đơn cử ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng thực tế năng suất lao động trong ngành chưa cao, nên phải ứng dụng khoa học công nghệ với các công nghệ mới. Muốn làm được điều này, cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành các trung tâm nghiên cứu tại các trường đại học, hướng dẫn người nông dân sử dụng công nghệ mới nâng cao năng suất lao động. Cũng từ những trung tâm nghiên cứu này phát triển thành những “HUB” – điểm kết nối” thúc đẩy cả nghiên cứu công nghiệp… đưa năng suất lao động lên mức cao nhất.
Cũng theo GS. Avishay Braverman, để thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST, một mặt, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy, nhưng mặt khác cũng cần có chính sách bảo vệ rủi ro hợp lý.