Tạo bứt phá giải ngân ở những mắt xích lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đi qua 10 tháng đầu năm 2024, vẫn còn gần 48% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao chưa giải ngân. Đặc biệt, lượng vốn chưa giải ngân của những địa phương như Hà Nội, TP.HCM và 9 dự án quan trọng ngành giao thông vận tải còn nhiều, cần có sự bứt phá tăng tốc trong thời gian còn lại thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Ước giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 từ đầu năm đến ngày 31/10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên
Ước giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 từ đầu năm đến ngày 31/10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, cần tiếp tục tháo gỡ nhiều vướng mắc, tồn tại, nút thắt cùng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các chủ thể liên quan.

Lượng vốn chưa giải ngân còn rất lớn

Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 được Thủ tướng giao là 680.075 tỷ đồng. Kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2024 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng giao theo số liệu đến thời điểm báo cáo (29/10/2024) là 69.680 tỷ đồng. Kế hoạch vốn các năm trước được phép kéo dài tính đến thời điểm báo cáo là 56.545 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch vốn năm 2024 là 806.300 tỷ đồng.

Ước giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 từ đầu năm đến ngày 31/10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, bằng 47,43% tổng kế hoạch vốn năm 2024, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Bộ Tài chính nhận định, ước giải ngân 10 tháng vốn ngân sách trung ương (NSTW) đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023 nhưng vốn NSĐP giải ngân còn thấp. Có 29 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước, một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% hoặc tỷ lệ rất thấp.

Một số địa phương có kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao, ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước như TP.HCM được giao 79.263 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng giao cả nước nhưng mới giải ngân được 19,63%; Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch nhưng chỉ giải ngân 44,62% tính đến cuối tháng 10.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, đến hết 30/9/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải (GTVT) là 47,7 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây.

Như vậy, nếu chỉ tính riêng TP.HCM, Hà Nội và 9 dự án quan trọng quốc gia ngành GTVT, số vốn kế hoạch năm 2024 cần giải ngân còn khoảng 133 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ lớn trong phần vốn chưa giải ngân của cả nước.

Theo Bộ GTVT, quá trình triển khai thực hiện các dự án quan trọng quốc gia ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc nếu không sớm được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành kế hoạch giải ngân. Đầu tiên là vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Về nguồn nguyên vật liệu, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long triển khai thủ tục cấp phép để khai thác mỏ cho các nhà thầu chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng là hoàn thành trước ngày 30/8/2024, ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; một số mỏ có trữ lượng không đáp ứng yêu cầu hoặc mỏ có trữ lượng lớn nhưng công suất cấp phép rất hạn chế. Bên cạnh đó, các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng không sát với giá trị trường, gây khó khăn trong lập dự toán và triển khai dự án.

Một số địa phương như Quảng Nam, Bình Phước, Hưng Yên, Tây Ninh gặp khó khăn khi nguồn thu tiền sử dụng đất đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch Thủ tướng giao, nên chưa có nguồn để bố trí và giải ngân cho các dự án đầu tư.

Nâng cao trách nhiệm cá nhân

Trong hơn 1 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và gợi mở giải pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp vẫn xảy ra, không những tại các dự án cao tốc mà cả công trình của tỉnh, huyện, xã, chưa kể đến san lấp các công trình dân dụng, người dân có tiền chưa chắc đã mua được dù giá rất cao. Trong khi đó, tro xỉ của các nhà máy thải ra hàng năm rất lớn nhưng vẫn chưa được sử dụng để thay thế vật liệu xây lắp vì chưa được nghiên cứu kỹ càng và hướng dẫn thực hiện. Nhiều nơi được chôn lấp hoặc bỏ trống rất lãng phí, cũng có khả năng ảnh hưởng đến môi trường về lâu dài. Ông Hòa đề nghị Chính phủ, bộ, ngành có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than từ các nhà máy điện thay thế cho cát sông làm vật liệu thông thường. Cát biển cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhấn mạnh nguyên nhân quan trọng của tình trạng tắc giải ngân là vấn đề nguyên vật liệu. Nguyên nhân sâu xa là do việc chuẩn bị đầu tư dự án còn kém nên dẫn đến chậm tiến độ. Sang năm 2025, ngoài việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 thì còn phải chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới.

Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) cho rằng, phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và trách nhiệm của người đứng đầu. Đại biểu đề nghị danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án; người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án mà mình phê duyệt; việc bố trí kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước.

Trách nhiệm cá nhân, tổ chức thực hiện, tâm lý sợ sai sợ trách nhiệm… là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến khi bàn về câu chuyện giải ngân. Bởi rõ ràng trong cùng một khuôn khổ pháp luật, có những địa phương, bộ ngành, có những dự án giải ngân rất nhanh.

Tính riêng TP.HCM, Hà Nội và 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải, số vốn kế hoạch năm 2024 cần giải ngân còn khoảng 133 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tính riêng TP.HCM, Hà Nội và 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải, số vốn kế hoạch năm 2024 cần giải ngân còn khoảng 133 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Dẫn kinh nghiệm từ Dự án Đường điện 500 KV mạch 3 chỉ trong 6 tháng đã hoàn thành - kết quả chưa từng có tiền lệ, Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, đó là bài học quý trong lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Trong báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ nhiều giải pháp quan trọng để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Trong đó, sẽ đẩy mạnh hoàn thành phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa...; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao; lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…