Tạo cơ chế tài chính khả thi cho dự án PPP giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi cân nhắc đầu tư vào các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) giao thông, nhà đầu tư, bên cho vay chắc chắn không muốn và không thể mạo hiểm tham gia nếu phương án tài chính chưa khả thi, rủi ro lớn, nhất là khi đã có bài học nhãn tiền từ những dự án BOT vướng mắc giai đoạn trước. Để thu hút dòng vốn chảy vào dự án PPP, sẽ cần thêm những cơ chế đủ hấp dẫn, khả thi, hiệu quả, đồng thời khơi thông điểm ách tắc cũ.
Việc sửa đổi quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án, cơ chế chia sẻ rủi ro sẽ làm tăng sức hút của các dự án PPP giao thông. Ảnh: Lê Tiên
Việc sửa đổi quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án, cơ chế chia sẻ rủi ro sẽ làm tăng sức hút của các dự án PPP giao thông. Ảnh: Lê Tiên

Khơi thông dòng vốn

Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 11/11/2024, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho biết, thời gian qua, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang được tích cực triển khai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng đối với các dự án giao thông đang có xu hướng giảm. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Thống đốc NHNN cho biết nguyên nhân có phải do nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay và giải pháp để tháo gỡ, thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.

Trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, khung khổ pháp lý đối với hoạt động cho vay dự án BOT giao thông có đầy đủ. Với các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN chỉ đạo tăng cường cho vay đồng tài trợ với dự án lớn. Tuy nhiên, bản thân các TCTD khá thận trọng cho vay do dự án có kỳ hạn dài và có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến phương án tài chính. Thực tế, hiện tổng dư nợ của các khoản cho vay dự án đường cao tốc khoảng trên dưới 100 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu và nợ nhóm 2 của các dự án đang chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 20%.

Trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kịp thời gỡ khó cho dự án BOT còn vướng mắc, tránh dẫn đến nợ xấu là giải pháp khơi thông dòng chảy tín dụng cho các dự án PPP trong tương lai, tạo ngay động lực cho tăng trưởng.

Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đánh giá, mô hình đầu tư PPP thời gian qua đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, triển khai nhiều dự án, mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư dự án đang gặp khó khăn. Ông Nghiệm cho biết, qua trao đổi với đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện trên phạm vi cả nước có 11 dự án đang rất khó khăn về tài chính cần quan tâm xem xét giải quyết. Để tháo gỡ việc này, các nhà đầu tư cũng như địa phương đã phối hợp tìm giải pháp, nhưng có những việc vượt quá thẩm quyền.

Ông Hoàng Văn Nghiệm dẫn trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ có nhắc đến cần có cơ chế phù hợp để giải quyết những khó khăn, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư có điều kiện giải quyết những tồn đọng hiện nay. Do đó, đề nghị rà soát, đưa các nội dung để khắc phục, gỡ các “điểm nghẽn” cả ở những dự án đang được thực hiện và đã khai thác vận hành, từ đó tháo gỡ khó khăn, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có những đóng góp thời gian qua.

Ý kiến khác đề xuất thêm phương án Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng UBND cấp tỉnh ở các địa phương có dự án BOT vướng mắc rà soát, tổng hợp, phân loại báo cáo và trình Chính phủ để Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng cho phép nghiên cứu, tham mưu xây dựng một dự thảo nghị quyết riêng của Quốc hội nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách tối đa, tương tự phương án xử lý vướng mắc đối với những dự án BT chuyển tiếp.

Kịp thời gỡ khó cho dự án BOT còn vướng mắc, tránh dẫn đến nợ xấu là giải pháp khơi thông dòng chảy tín dụng cho các dự án PPP trong tương lai. Ảnh: Tiên Giang
Kịp thời gỡ khó cho dự án BOT còn vướng mắc, tránh dẫn đến nợ xấu là giải pháp khơi thông dòng chảy tín dụng cho các dự án PPP trong tương lai. Ảnh: Tiên Giang

Sửa nhiều quy định về cơ chế tài chính, nâng tính khả thi dự án

Theo phản ánh của nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, cơ chế tài chính liên quan dự án PPP hiện còn chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, bên cho vay.

Ví dụ quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không quá 50%, trong khi một số dự án đang được Bộ GTVT và các địa phương khẩn trương chuẩn bị đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một số vùng, miền còn khó khăn có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao. Ngoài ra, có một số dự án chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã vượt quá 50% tổng mức đầu tư. Những dự án này cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để bảo đảm tính khả thi khi thu hút đầu tư theo phương thức PPP.

Hay quy định về nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn còn thiếu rõ ràng trong việc xác định rõ nguồn vốn nhà nước cụ thể được bố trí để mua lại doanh nghiệp dự án PPP hoặc bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, dẫn tới không có trình tự, thủ tục để cân đối, bố trí vốn nhà nước thanh toán trong các trường hợp này. Cơ chế chia sẻ giảm doanh thu được nhà đầu tư rất kỳ vọng nhưng việc dùng nguồn vốn Nhà nước để xử lý chưa thực sự chắc chắn khiến nhà đầu tư chưa tin tưởng sẽ được chia sẻ rủi ro kịp thời. Theo quy định của Luật PPP, chi phí xử lý cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu được sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách các cấp, nhưng nguồn dự phòng ngân sách nhà nước phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách hàng năm nên cần bổ sung các nguồn vốn khác để xử lý rủi ro giảm doanh thu của các dự án PPP trong trường hợp không bố trí được nguồn dự phòng ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đề xuất sửa đổi các quy định về cơ chế tài chính đối với dự án PPP nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả thực hiện, bảo đảm phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Theo đó, sửa đổi theo hướng tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và cho phép Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP cao hơn 50% nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đối với một số trường hợp cụ thể.

Dự thảo Luật bổ sung quy định nhằm làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công để thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp bồi thường, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn không phải do lỗi của nhà đầu tư; quy định bổ sung nguồn vốn khác để xử lý rủi ro giảm doanh thu của các dự án PPP và quy định về việc sắp xếp thứ tự ưu tiên giữa các nguồn vốn này…

Bên cạnh sửa đổi cơ chế tài chính, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động truyền thông và xúc tiến đầu tư dự án PPP tới nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin tới người dân.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thì cho rằng, việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt giao thông, cao tốc là lĩnh vực Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Mục tiêu đặt ra là tới năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc, trong khi các dự án cao tốc giá trị vay lớn, dài hạn, đòi hỏi đa dạng hóa nguồn lực từ nhiều kênh huy động. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực từ nước ngoài là cần thiết, ví dụ như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới… sẵn sàng cho vay, nhưng cần tính toán vay bao nhiêu để bảo đảm các cân đối của nền kinh tế, cũng như thủ tục nhanh chóng, thuận tiện.