Tạo động lực tăng trưởng mới

(BĐT) - Đánh giá những kết quả đạt được của năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định đây là năm hết sức đặc biệt với nhiều dấu mốc ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế và hội nhập của Việt Nam. 
Tăng năng suất lao động là cách tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên
Tăng năng suất lao động là cách tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, bước sang năm 2016 còn nhiều bất ổn thường trực đối với nền kinh tế, đòi hỏi phải có những giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp. Trong bối cảnh chuẩn bị khởi đầu một giai đoạn mới, đã đến lúc cần dựa vào những động lực mới để tạo bước đột phá cho tăng trưởng, đó là năng suất lao động và ý tưởng sáng tạo.

Năm đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, có thể nói 2015 là một năm hết sức đặc biệt bởi đây là năm đầu tiên đạt vượt mốc chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đề ra sau chặng đường 3 năm có mức tăng trưởng thấp, và dồn cho ổn định vĩ mô. Năm 2015 một lần nữa khẳng định kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng ổn định hơn, tăng trưởng kinh tế đang lấy lại đà tăng tốc.

Năm 2015 cũng là năm đánh dấu tiến trình hội nhập hết sức tích cực, sâu rộng và đi vào thực chất của Việt Nam với việc hoàn thiện ký kết và kết thúc đàm phán một loạt các hiệp định thương mại song phương và khu vực rất quan trọng. Đây cũng là tiền đề mở ra một giai đoạn mới từ đầu năm 2016 khi Việt Nam bắt đầu bước vào hội nhập ở mức cao hơn, đó là tham gia thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), bắt đầu triển khai thực hiện FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu và chuẩn bị tiếp theo là FTA với EU và TPP. Đây là bước ngoặt rất lớn trong hội nhập của Việt Nam.

Chúng ta đã nhìn thấy NSLĐ của Việt Nam thấp, chúng ta nói về tăng NSLĐ nhưng tốc độ tăng trưởng của chúng ta giảm dần và thua tốc độ tăng trưởng của các nước khác thì rõ ràng chúng ta đã tụt hậu so với họ. Bộ trưởng
Bùi Quang Vinh
Bên cạnh đó, cũng theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay sau Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2015, số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập tăng tới 50 - 60% so với giai đoạn trước, tăng đột biến về số lượng và cả chất lượng DN. Đồng thời, số DN khó khăn ngừng hoạt động quay lại hoạt động nhiều, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Cần phải thấy rằng, sự gia tăng của DN, đặc biệt là DNNVV tạo ra nhiều việc làm, và đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng GDP.

“Có thể nói khó khăn các năm trước đang được khắc phục, cải thiện nên năm 2015 tăng trưởng tương đối đồng đều, ổn định. Đồng thời với mức lạm phát duy trì ở mức thấp, lợi thế vĩ mô tốt, lãi suất ngân hàng thấp, có huy động trong dân và nguồn lực trong Nhà nước đầu tư cho sản xuất kinh doanh tốt hơn thì tăng trưởng tốt hơn. Đây sẽ là đà tốt cho tăng trưởng cho năm 2016 cũng như cho giai đoạn tiếp theo 2016 - 2020”, Bộ trưởng khẳng định. 

Phát huy động lực mới để nâng chất lượng tăng trưởng

Mặc dù có thuận lợi từ đà tăng trưởng cao của năm 2015, song theo phân tích của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, bước sang năm 2016, vẫn không thể coi thường ổn định kinh tế vĩ mô. “Hiện nay còn nhiều rủi ro rất lớn rình rập gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô, đó là nợ công và nợ xấu. Hiện nợ công ta đang ở mức trần, nếu không kiểm soát tốt, nợ công sẽ vượt ngưỡng trần này, gây hậu quả. Nợ xấu ngân hàng cũng vẫn là rào cản cho tiếp cận của DN, đó là vấn đề lớn trong vĩ mô”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định.

Thứ hai, cần phát huy động lực mới cho tăng trưởng kinh tế năm 2016 và tạo đà cho giai đoạn tiếp theo. Giải pháp quan trọng nhất, song khó làm nhưng phải làm, theo Bộ trưởng, đó là nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, không phải theo chiều rộng như vừa qua là tăng vốn, dựa vào lao động thấp và khai thác tài nguyên, mà phải quan tâm nhiều hơn tới tăng năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia, lấy tăng NSLĐ làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

“Nhìn nhận một cách khách quan, giai đoạn vừa qua Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn, song đó chỉ là tiến bộ so với chính mình, còn so với bạn bè, các nước bên cạnh, so với những quốc gia có cùng điều kiện với chúng ta trước đây thì mới thấy là NSLĐ của Việt Nam thua họ nhiều lần, đó là tụt hậu. Năng suất xét cho cùng là yếu tố quan trọng nhất trong mọi thời đại. Chúng ta đã nhìn thấy NSLĐ của Việt Nam thấp, chúng ta nói về tăng NSLĐ nhưng tốc độ tăng trưởng của chúng ta giảm dần và thua tốc độ tăng trưởng của các nước khác thì rõ ràng chúng ta đã tụt hậu so với họ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích.

Để cải thiện năng suất, giúp Việt Nam có thể đuổi kịp và thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng cần dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực có năng suất cao trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, phá bỏ rào cản, thúc đẩy sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đẩy mạnh cải cách thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng cường hỗ trợ phát triển DNNVV, khuyến khích, nâng đỡ các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp…, và những việc này cần tập trung đẩy mạnh ngay trong năm nay để tạo đà cho những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập sâu rộng và thực chất từ năm tới, theo Bộ trưởng, cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết từ cấp Chính phủ cho tới từng DN, người dân để hiểu được cơ hội cũng như thách thức mà các FTA mang lại. Mỗi bộ, ngành phải chỉ rõ ngành mình, lĩnh vực mình có cơ hội, thách thức như thế nào trong từng hiệp định để đánh giá được khả năng cạnh tranh của đối thủ cũng như tác động tới nền kinh tế và DN Việt Nam, từ đó cùng với các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng DN bàn thảo xây dựng các cơ chế chính sách để tận dụng khai thác cơ hội, vượt qua thách thức, đồng thời tránh được các tác động ngược chiều không mong muốn.