Doanh nghiệp mong những giải pháp hỗ trợ tại Nghị quyết 02/NQ-CP nhanh chóng được đưa vào cuộc sống. Ảnh: Tuấn Anh |
Niềm tin quay trở lại
Hơn nửa đầu tháng 1/2024 đã đi qua, cảm nhận chung của nhiều DN là hy vọng năm nay hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bớt khó khăn hơn năm cũ - năm 2023. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, với mức độ cải thiện kinh doanh của quý IV/2023, hàng tồn kho giảm nhanh, vì thế, ngành dệt may hy vọng đơn hàng mới sớm trở lại trong năm 2024 khi các dự báo về nhu cầu của một số thị trường lớn như: Mỹ, EU... có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng dù còn không ít khó khăn, thách thức. “Quý I/2024, cầu thị trường chưa có nhiều triển vọng, nhưng hy vọng từ quý III/2024 sẽ tiến triển tốt. Ngành sợi qua quý IV mới có thể phục hồi”, ông Hiếu nhận định.
Với dự cảm đó, năm 2024, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.536 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2023, lợi nhuận đạt 415 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023.
Ngành thép vừa đi qua năm 2023 với vô vàn thách thức khi nhu cầu thị trường trong nước cũng như thế giới giảm sút do thị trường xây dựng, bất động sản trầm lắng. Với nhiều giải pháp tháo gỡ của Chính phủ, những tháng cuối năm, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục, tiêu thụ thép được cải thiện. Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, tháng 12/2023, sản lượng bán hàng thép xây dựng và phôi thép của DN đạt 76.000 tấn, cao nhất từ đầu năm 2023.
Về triển vọng thị trường thép năm 2024, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Hòa Phát kỳ vọng, năm nay sẽ là năm khởi động của ngành thép sau khi chạm đáy vào năm 2023. Dự kiến, sản lượng thép sẽ tăng khoảng 10% nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản.
“Niềm tin đã quay trở lại” cũng là kết quả nổi bật được tô đậm trong trang đầu của Báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình DN cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp thực hiện.
Theo báo cáo này, so với các con số của khảo sát tháng 4/2023, DN lạc quan hơn với tỷ lệ DN đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô tích cực/rất tích cực gấp 2,7 lần; tỷ lệ đánh giá kinh tế ngành tích cực/rất tích cực gấp 2,5 lần; tỷ lệ đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới tích cực gấp gần 3 lần; tỷ lệ DN dự kiến mở rộng quy mô tăng gấp 2 lần...
Thông tin về tình hình gia nhập thị trường của DN năm 2023 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cho thấy, năm 2023 là năm thách thức chưa từng có, nhưng Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục về số lượng DN thành lập mới với hơn 159.000 DN, tăng 7% so với năm 2022 (148.500 DN). Cùng với đó, số DN quay trở lại thị trường cũng được cải thiện...
Với “điểm tựa” này, Nghị quyết 02/NQ-CP đặt mục tiêu phấn đấu số DN gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.
Doanh nghiệp dệt may kỳ vọng nhu cầu thị trường, lượng đơn hàng sớm phục hồi trong năm 2024. Ảnh: Anh Tuấn |
Tăng tốc khơi thông “điểm nghẽn”, hỗ trợ doanh nghiệp
Bên cạnh những ý kiến lạc quan, một số chuyên gia kinh tế, DN cho rằng, mục tiêu số DN gia nhập thị trường năm 2024 mà Nghị quyết 02/NQ-CP đặt ra cần rất nhiều sự cố gắng.
Dẫn kết quả khảo sát DN của Ban IV, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban IV cho biết, trong tổng số 2.734 DN tham gia khảo sát, vẫn còn tới 69% DN đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024. Đặc biệt, so với khảo sát tháng 4/2023, tỷ lệ DN dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể và tạm ngừng kinh doanh trong khảo sát tháng 12 không có xu hướng giảm như hầu hết các chỉ báo khác. Điều này cho thấy, triển vọng kinh tế qua góc nhìn của DN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó, những ngày gần đây, căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ đã ảnh hưởng bất lợi, làm tăng chi phí vận tải biển quốc tế khiến DN xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu phải chật vật ứng phó. Ở trong nước, DN vẫn đối mặt với khó khăn trong tiếp cận vốn, thực hiện các thủ tục hành chính...
Để hỗ trợ DN phục hồi, phát triển, nâng cao tính khả thi của mục tiêu tăng 10% DN gia nhập thị trường trong năm nay, các DN mong mỏi, những giải pháp cụ thể hỗ trợ DN đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP nhanh chóng được các cấp đưa vào cuộc sống, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, vượt qua khó khăn, thách thức, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp Chính phủ đặt ra Nghị quyết 02/NQ-CP sẽ trợ lực cho DN vượt khó, bứt phá.
Đại diện Ban IV nhìn nhận, trong bối cảnh thế giới nhiều biến số, vai trò của Việt Nam vẫn không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới. “Tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN cần nhân rộng xuống cấp địa phương trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển DN”, bà Thủy bày tỏ.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về phát triển DN, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc thực hiện hiệu quả các giải pháp Chính phủ đặt ra Nghị quyết 02/NQ-CP sẽ trợ lực cho DN vượt khó, bứt phá. Cục Phát triển DN sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, thấu hiểu hoạt động của DN, từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất những giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển mạnh mẽ của DN, góp phần tăng năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Để mở rộng không gian phát triển cho DN, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo cần đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược, tham mưu chiến lược về chính sách và kiến tạo phát triển, đổi mới sáng tạo và lập nghiệp. Đây là những nền tảng quan trọng để khơi dậy “ngọn lửa” kinh doanh của DN Việt Nam.