Tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp tạo giá trị mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhìn vào thực tế gần 198.000 DN rút lui khỏi thị trường năm 2024, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân không chỉ do tái cơ cấu hay quy luật thị trường mà còn có những vấn đề nội tại của thể chế, chính sách, đang tạo rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành được kỳ vọng sẽ xóa đi những điểm nghẽn, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy tinh thần kinh doanh giúp doanh nghiệp vững bước và góp sức cho tăng trưởng năm 2025.
Cải cách môi trường kinh doanh là yêu cầu cấp thiết để củng cố niềm tin, tạo thêm động lực cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Cải cách môi trường kinh doanh là yêu cầu cấp thiết để củng cố niềm tin, tạo thêm động lực cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Thúc đẩy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp

Nhằm củng cố niềm tin, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN), Nghị quyết số 02/NQ-CP được Chính phủ ban hành mới đây nhấn mạnh yêu cầu hành động, thực thi những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia một cách hiệu quả, thực chất, tạo động lực cho DN phát triển mạnh mẽ.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năm 2024, bên cạnh những kết quả đạt được, DN trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, tình hình phát triển DN năm qua chậm hơn so với các năm trước. Tỷ lệ DN gia nhập thị trường so với DN rút lui khỏi thị trường, quy mô vốn và lao động trung bình trong DN đều thấp hơn so với các năm trước. Phát triển DN chưa đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra. Hoạt động cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng bị chững lại…

Năm 2025 được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, trong đó cộng đồng DN là trung tâm của sự phát triển. Trong bối cảnh đó, cải cách môi trường kinh doanh là yêu cầu cấp thiết để củng cố niềm tin, tạo thêm động lực cho DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2025 đã lồng ghép quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp bổ sung nhiều giải pháp cụ thể để hiện thực hóa những chỉ đạo chiến lược”, bà Thảo nhấn mạnh sự khác biệt của Nghị quyết năm nay so với những phiên bản trước.

Cụ thể, bên cạnh các chỉ đạo tiếp nối từ những năm trước, Nghị quyết 02 nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, xoá bỏ cơ chế xin - cho. Các nhóm nhiệm vụ giải pháp được cụ thể hóa tại phần phụ lục của Nghị quyết với những nhiệm vụ chi tiết giao cho các đơn vị chức năng.

Một số chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 02 năm 2025 ngoài định hướng cải cách thể chế, còn nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện thực chất theo tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả”. Đặc biệt, Nghị quyết thúc đẩy việc phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; thực hiện phân cấp hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trong phân công phải 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. “Khi môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và an toàn, Việt Nam sẽ thu hút được thêm nhiều nguồn lực đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, từ đó góp phần tạo đột phá về tăng trưởng, đưa đất nước phát triển”, bà Thảo nhận định.

Môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và an toàn sẽ giúp Việt Nam thu hút được thêm nhiều nguồn lực đầu tư, nhất là ở những lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: Nhã Chi
Môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và an toàn sẽ giúp Việt Nam thu hút được thêm nhiều nguồn lực đầu tư, nhất là ở những lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: Nhã Chi

Tìm cơ hội trong bối cảnh mới

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, bên cạnh Nghị quyết 02, hàng loạt chủ trương, chính sách mới đã được ban hành, trong đó có Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; sửa đổi các Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)…, sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2025 và giai đoạn tới. Theo ông Châu, lĩnh vực bất động sản có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế của Việt Nam, nên nếu thị trường bất động sản tốt lên sẽ giúp cho sự chống chịu của nền kinh tế thêm mạnh mẽ. Ông hy vọng, từ quý IV/2025 trở đi, nền kinh tế và thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ nét, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Với khối doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam kỳ vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ có sự bứt phá từ năm 2025. Theo ông Vũ, đầu năm 2024, thị trường bất động sản cũng như xây dựng trầm lắng, hầu hết doanh nghiệp đều giảm gần phân nửa đơn hàng và buộc phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô sản xuất. Tuy nhiên, năm 2025, ngay trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc… Vì thế, ông Vũ kỳ vọng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ khởi sắc, riêng Thiên Nam đặt mục tiêu tăng trưởng dự kiến 15%.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 thì chia sẻ, năm 2025, ngành dệt may Việt Nam xác định tiếp tục đối diện với hàng loạt khó khăn do cạnh tranh lao động gay gắt, đơn hàng số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, đơn giá thấp, chuỗi cung ứng còn rủi ro… Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao kiến thức, chuyên môn cho đội ngũ quản lý, lao động; thực hiện triệt để công tác phòng chống lãng phí; chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng; nghiên cứu sản phẩm mới… Theo ông Việt, để có cơ hội trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cần tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục