Chuẩn bị kỹ lưỡng
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Bộ KH&ĐT đã rất chủ động trong việc chỉ đạo triển khai hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV. Tại thời điểm trình Luật, Dự thảo lần 1 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đã được trình gửi kèm để Quốc hội thảo luận trong tháng 5/2017. Ngay sau khi Luật được chính thức thông qua, Bộ đã ban hành Quyết định số 1221/QĐ-BKHĐT ngày 5/9/2017 về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định. Dự kiến, trong tháng 10 tới, Dự thảo Nghị định sẽ hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, ban hành.
“Quan điểm của Ban soạn thảo là cố gắng hướng dẫn chi tiết ở Nghị định (có thể không cần đến thông tư) để tránh sự tùy tiện trong hoạt động hướng dẫn làm giảm tinh thần của Luật. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn ngân sách có giới hạn, những hỗ trợ cho DNNVV phải đúng trọng tâm, trọng điểm”, ông Đông nói.
Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV, thành viên Ban soạn thảo cho biết, Dự thảo Nghị định gồm 8 chương 36 điều. Cụ thể, Nghị định hướng dẫn thực hiện Điều 20 Luật Hỗ trợ DNNVV quy định về Quỹ phát triển DNNVV thực hiện 2 chức năng hỗ trợ cơ bản. Thứ nhất là cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Thứ hai là tiếp nhận và quản lý vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV. Với tinh thần này, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn; các phương thức hỗ trợ DNNVV; quản lý, sử dụng vốn và tài sản; doanh thu, chi phí và phân phối kết quả tài chính; cơ cấu tổ chức… một cách rõ ràng.
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định, hầu hết ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị nội dung Dự thảo của Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Ông Hoàng Mạnh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT đánh giá, mặc dù vẫn còn một số điểm cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, song đây là bản Dự thảo Nghị định được chuẩn bị nội dung rất tốt, làm rõ được những yếu tố đặc thù của Quỹ. Đồng ý với đánh giá này, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam tin tưởng: “Nội dung Dự thảo Nghị định được chuẩn bị rất tốt, tôi tin rằng ngay sau khi được trình lên cấp có thẩm quyền thì sẽ sớm được xem xét, ban hành”.
Tìm mô hình hợp lý
Làm rõ về việc cần thiết phải xây dựng một địa vị pháp lý cho Quỹ, theo bà Hồng, theo Quyết định số 601/QĐ-TTg (QĐ601) quy định, Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước, nhưng hiện không có quy định pháp lý tầm luật, nghị định về mô hình hoạt động, cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước, dẫn đến Quỹ gặp không ít khó khăn khi làm việc với các bộ, ngành trong việc xây dựng quy chế hoạt động, chế độ tài chính - kế toán, lương, thưởng… Thêm nữa, do chưa rõ ràng về mô hình hoạt động là doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp công lập nên theo bà Hồng, trong khoảng 3 năm qua, Quỹ gặp vướng mắc về khung pháp lý trong việc xây dựng chế độ lương, thưởng, phúc lợi xã hội đối với công chức, viên chức và người lao động của Quỹ do QĐ601 không quy định vấn đề này. Do đó, việc xác lập địa vị pháp lý cho Quỹ là rất cần thiết để bảo đảm hoạt động hỗ trợ DNNVV hiệu quả.
Đồng tình với ý kiến đề xuất này, các ý kiến góp ý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… đều chung quan điểm cần xác lập vị trí pháp lý cho Quỹ. Đại diện cộng đồng DN, ông Nam lưu ý, dù có phát triển theo mô hình nào thì mô hình đó cũng phải tạo động lực cho Quỹ phát triển, người lao động có chế độ phù hợp.
Phương thức ủy thác cho vay qua ngân hàng thương mại hiện là phương thức hỗ trợ duy nhất của Quỹ theo quy định tại Điều 6 QĐ601. Theo mô hình ủy thác, các DNNVV vẫn phải tiếp cận vốn vay theo cơ chế cho vay thương mại thông thường theo quy định nội bộ của ngân hàng. Quỹ chưa thể hiện được vai trò quyết định trong việc hỗ trợ DNNVV mà phụ thuộc vào “khẩu vị” của ngân hàng nhận ủy thác. Từ bất cập đó, Dự thảo Nghị định đề xuất các phương thức hỗ trợ cho DNNVV, bao gồm: cho vay trực tiếp; cho vay gián tiếp; các hoạt động tài trợ, bảo lãnh tín dụng…