Thách thức bài toán thừa tiền, thiếu vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lãi suất đã giảm nhưng chi phí vay vốn vẫn cao là một trong những khó khăn làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng, tạo nên nghịch lý ngân hàng dư thừa thanh khoản, trong khi doanh nghiệp (DN) rất thiếu vốn. Để cải thiện tình trạng này, cần các giải pháp đồng bộ từ hệ thống kinh tế, ngân hàng và DN, đồng thời, cần kích hoạt các dòng tiền mới để đa dạng hóa nguồn lực tài chính, qua đó tăng sức cạnh tranh và tác động kéo giảm lãi suất cho vay.
Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56% so với cuối năm 2022. Ảnh: Lê Tiên
Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56% so với cuối năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, bao gồm 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất từ đầu năm đến nay, thúc đẩy các ngân hàng cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay… Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, tương đương một nửa mức tăng của cùng kỳ năm 2022.

Lãi suất cho vay bình quân hiện nay khoảng 7,9%/năm với những khoản cho vay mới; lãi suất huy động từ tiền gửi bình quân 4,7%/năm. Các khoản cho vay chưa đến thời hạn trả nợ có lãi suất cho vay khoảng 9,4%/năm.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, lãi suất những khoản vay cũ của DN sẽ từng bước giảm, nhưng có độ trễ. Việc tiếp cận tín dụng phải nhìn từ hai phía, các ngân hàng và DN cần cơ cấu lại nguồn vốn phù hợp. Bởi lẽ, tín dụng phải có những điều kiện tối thiểu để bảo đảm an toàn cho khoản vay cũng như an toàn cho các tổ chức tín dụng.

Từ cộng đồng DN, bà Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã đồng hành, tích cực hỗ trợ DN. Các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp và tăng cường triển khai các gói tín dụng với lãi suất phù hợp cho từng đối tượng; sẵn sàng đồng hành hỗ trợ DN từ khâu xây dựng phương án đến triển khai sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi mong muốn có thêm gói tín dụng hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh còn khó khăn như hiện nay, DN rất mong ngân hàng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh thời gian phê duyệt hồ sơ vay vốn..., tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn”, bà Ngân chia sẻ.

Nhiều DN cho biết, dù lãi suất đã giảm song chi phí vay vốn thực tế vẫn rất cao. Chẳng hạn, có ngân hàng chào vay vốn ở mức 7%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu, nhưng sau đó lãi vay thả nổi có thể lên đến 10%. Thực tế, mức lãi suất cho vay hiện nay tính đủ các chi phí có thể lên đến trên 12%/năm. Một số chính sách hỗ trợ cho người vay cũng chưa thực sự hiệu quả. Chẳng hạn, việc cho phép chuyển khoản nợ từ ngân hàng có lãi suất cao sang ngân hàng có lãi suất thấp không dễ thực thi bởi chi phí phạt trả trước, chi phí thẩm định lại tài sản bảo đảm và các khoản chi phí thủ tục khác có thể khiến lãi vay ở ngân hàng mới không thấp hơn khoản vay cũ.

Nhiều doanh nghiệp hiện muốn vay vốn nhưng không đủ điều kiện vay. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Nhiều doanh nghiệp hiện muốn vay vốn nhưng không đủ điều kiện vay. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một trong những “nghịch lý” cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay là “thừa tiền nhưng thiếu vốn”. Nguyên nhân là ngân hàng thương mại thừa tiền nhưng không cho vay được, DN muốn vay lại không đủ điều kiện vay, thị trường vốn không làm tốt được vai trò huy động vốn cho DN.

“Khơi thông dòng vốn cho DN là vấn đề bức thiết hiện nay, cần có những giải pháp táo bạo hơn. Đây cũng là thời điểm để các ngân hàng can đảm tiếp cận DN bằng xu hướng, tiềm năng tương lai… Ví dụ, hỗ trợ tín dụng DN phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo”, ông Thiên nhận định.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, DN, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng. Theo đó, từ tổng thể chung của nền kinh tế, cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều, cần nghiên cứu giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh chính sách tài khóa.

Đối với tín dụng, cần phân biệt rành mạch khả năng về chính sách của NHNN và hoạt động của các ngân hàng thương mại. NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường.

Từ góc độ khác, theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), điều đáng ghi nhận là mặt bằng lãi suất đã giảm từ năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, trước đó ngân hàng đã huy động lượng vốn với lãi suất cao, mặt khác đang phải đối diện với rủi ro nợ xấu tăng cao, phải tăng chi phí trích lập rủi ro nên lãi suất cho vay khó có thể giảm mạnh như kỳ vọng của nhiều DN. Bên cạnh đó, tiềm năng sinh lợi của các lĩnh vực hiện không cao nên việc lựa chọn địa chỉ giải ngân là không dễ dàng.

Ông Minh cho rằng, để tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay, cách thức tốt nhất là tăng dòng tiền mới đổ vào nền kinh tế, đó có thể là dòng vốn đầu tư nước ngoài mới, dòng tiền từ đầu tư tư nhân, dòng tiền thu được từ xuất khẩu hàng hóa… Dòng tiền mới sẽ góp phần giải cơn khát vốn cho nền kinh tế, dần dần, ngân hàng buộc phải giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy giải ngân tín dụng.

Ông Minh kỳ vọng, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy ngoại giao kinh tế liên tục gần đây của Chính phủ sẽ tăng sức hấp dẫn dòng tiền mới chảy vào nền kinh tế Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục