Thách thức mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong những yếu tố then chốt tạo nên đột phá chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa chiến lược này đang phải đối diện với nhiều khó khăn khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hạn hẹp, chính sách huy động nguồn lực bên ngoài vẫn chưa thực sự hấp dẫn.
Dự án PPP chịu nhiều rủi ro khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại và rụt rè khi Nhà nước tiếp tục kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông theo phương thức PPP. Ảnh: Lê Tiên
Dự án PPP chịu nhiều rủi ro khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại và rụt rè khi Nhà nước tiếp tục kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông theo phương thức PPP. Ảnh: Lê Tiên

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết cấu hạ tầng đường bộ đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại. Theo đó, Nhà nước sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc; đẩy mạnh hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó vốn nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong việc huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho các địa phương.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước hiện nay và thời gian tới, buộc phải đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy. Điều này đòi hỏi nguồn lực đầu tư khổng lồ, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách lại rất hữu hạn. Chẳng hạn, để nâng cấp 2.141 km đường cao tốc 4 làn xe hạn chế (gồm 435 km đã đưa vào khai thác, 1.385 km đang xây dựng và 321 km đang chuẩn bị đầu tư), cần khoảng 425.705 tỷ đồng; hiện mới cân đối được 1.995 tỷ đồng (khoảng 0,5% tổng nhu cầu vốn), dự kiến huy động 13.138 tỷ đồng vốn của nhà đầu tư (khoảng 3% tổng nhu cầu vốn), còn thiếu khoảng 410.572 tỷ đồng (khoảng 96,5% tổng nhu cầu vốn).

Với khả năng huy động nguồn lực và cân đối nguồn lực rất hạn chế từ nguồn ngân sách nhà nước, việc hiện thực hóa Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt với 41 tuyến cao tốc có tổng chiều dài khoảng 9.014 km gồm trục dọc Bắc - Nam (phía Đông và phía Tây), khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, khu vực phía Nam, đường vành đai Thủ đô Hà Nội và TP.HCM sẽ gặp không ít khó khăn.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trong giai đoạn 2024 - 2030, Đèo Cả đặt mục tiêu tập trung phát triển các dự án hạ tầng lớn, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc và đường sắt. Công ty dự kiến đầu tư và thi công hơn 400 km đường cao tốc với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng. Trong đó có các dự án trọng điểm như: cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 1 dài 93,35 km với tổng mức đầu tư 14.331 tỷ đồng; cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) dài 60 km với tổng mức đầu tư 11.025 tỷ đồng.

Hiện Đèo Cả đang nghiên cứu đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông khác như: cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km với tổng mức đầu tư khoảng 18.120 tỷ đồng; cao tốc TP.HCM - Chơn Thành dài 45,7 km với tổng mức đầu tư khoảng 9.197 tỷ đồng; đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 47,45 km với tổng mức đầu tư khoảng 10.742 tỷ đồng; mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 dài 91 km với tổng mức đầu tư khoảng 35.362 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hiện nay, Đèo Cả chuẩn bị nghiên cứu đầu tư cho các dự án đường sắt với tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng và sẽ tham gia đấu thầu các dự án PPP tại khu vực miền Nam. Trong bối cảnh các nguồn lực có hạn, Đèo Cả đúc rút kinh nghiệm thực hiện thành công các dự án PPP phức tạp là áp dụng mô hình PPP++ nhằm đa dạng các nguồn vốn, tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án. Mô hình PPP++ gồm: P1++ là vốn ngân sách, bao gồm vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; P2++ là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chính danh và nhà đầu tư thứ cấp; P3++ là vốn huy động từ tổ chức tín dụng, hợp tác kinh doanh, trái phiếu…

Tuy nhiên, theo Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, chính sách thu hút đầu tư PPP của nước ta vẫn thiếu nhất quán, thời gian dự án được vay vốn ngân hàng thấp hơn thời gian hoàn vốn đầu tư cho dự án, đơn giá định mức thấp, thiếu nguồn vật liệu xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng chậm… Đó là những yếu tố khiến dự án PPP chịu nhiều rủi ro và khó thu hút đầu tư.

Theo Lãnh đạo Tổng công ty 36, cơ chế Nhà nước tăng tỷ lệ vốn tham gia tại các dự án PPP đường bộ lên 70% tổng vốn đầu tư dự án được đánh giá có tính đột phá, tạo sức hút đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, mới một vài dự án được thí điểm, tỷ lệ vốn đóng góp của Nhà nước tại đa số dự án mới dừng ở mức tối đa là 50%. Mặt khác, trong quá trình vận hành các dự án PPP đã hoàn thành (có hình thức hợp đồng BOT) cũng xảy ra câu chuyện Nhà nước chưa đối xử công bằng và bình đẳng đối với nhà đầu tư, nhiều rủi ro xảy ra trong quá trình hoàn vốn dự án. Do đó, nhiều nhà đầu tư sẽ quan ngại và rụt rè khi Nhà nước tiếp tục kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông theo phương thức PPP.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số nhà đầu tư, trong danh mục dự án giao thông lớn mà Nhà nước dự kiến kêu gọi đầu tư thời gian tới, có nhiều dự án được triển khai ở các địa bàn khó khăn, lưu lượng phương tiện thấp, sẽ khó hoàn vốn đầu tư trong thời gian 20 - 30 năm. Do đó, nếu Nhà nước không đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách hoặc có cơ chế đặc thù thì sẽ khó thu hút vốn tư nhân.

Tin cùng chuyên mục