Thách thức xây dựng thị trường cạnh tranh

(BĐT) - Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không xuất khẩu được xin giảm thuế để xuất khẩu tốt hơn, khi doanh nghiệp không trả được nợ thì khoanh nợ..., những kiểu điều hành này ở Việt Nam đang làm méo mó thị trường cạnh tranh mà chúng ta đang hướng tới.
Một số quy định về kinh doanh vận tải đang hạn chế người kinh doanh gia nhập thị trường. Ảnh: Tiên Giang
Một số quy định về kinh doanh vận tải đang hạn chế người kinh doanh gia nhập thị trường. Ảnh: Tiên Giang

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đề cập vấn đề này tại Hội thảo "Hoàn thiện chính sách cạnh tranh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam" được tổ chức mới đây. Hội thảo nhằm lấy ý kiến xây dựng chính sách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam. 

Chỉ số cạnh tranh thấp

Theo các chuyên gia kinh tế, cạnh tranh là một trong những yếu tố nền tảng của thể chế kinh tế thị trường. Cạnh tranh bảo đảm cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả, thúc đẩy đầu tư và góp phần nâng cao năng suất lao động. Đây cũng là nội dung quan trọng trọng trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo đó các thành viên cam kết bảo đảm thiết lập và duy trì thể chế cạnh tranh minh bạch, công bằng và tương đồng với các thành viên khác.

Kết quả khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố mới đây cho thấy, Việt Nam xếp thứ 71/140 nền kinh tế về cạnh tranh (Malaysia thứ 9 và Thái Lan thứ 52). Xét về mức độ cạnh tranh trên thị trường nội địa thì Việt Nam xếp thứ 71/140 nền kinh tế; mức độ chi phối thị trường (của một số tập đoàn) xếp thứ 64/140… Dẫn thông tin từ một nguồn tin đáng tin cậy, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản phải gánh nhiều loại chi phí không chính thức. Trong khi đó, thị trường tín dụng đang méo mó, lãi suất cao hơn mặt bằng rất nhiều khiến doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, đang có lực cản rất lớn đối với quá trình cải cách, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. “Chúng ta vừa thích cạnh tranh, thích thị trường nhưng lại sợ thị trường nên những cải cách vừa qua không dứt khoát để chuyển sang nền kinh tế thị trường thực sự. Đây là điều bất thường”.

Ông Cung chỉ ra, chẳng hạn như theo quy định về kinh doanh vận tải hành khách, doanh nghiệp vận tải phải có ít nhất 20 xe ô tô… “Tôi cho rằng, con số này chẳng có nghĩa lý gì về mặt quản lý nhà nước, song chính quy định này không nhìn về cạnh tranh mà tạo nên bất công trên thị trường. Hơn nữa, trong kinh doanh, người kinh doanh dùng bao nhiêu xe là việc của họ, không phải việc của Nhà nước. Khi quy định như vậy, chỉ những người kinh doanh có số vốn lớn mới có thể gia nhập thị trường, còn những người ít vốn, dù có sáng kiến tốt hơn vẫn bị triệt tiêu tinh thần khởi nghiệp”, ông Cung nói.

Australia xóa bỏ méo mó thị trường như thế nào?

Kết quả khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố mới đây cho thấy, Việt Nam xếp thứ 71/140 nền kinh tế về cạnh tranh.
Đề cập kinh nghiệm của Chính phủ Australia trong việc xây dựng chính sách cạnh tranh, bà Rosalie Mc Lachlan, Ủy ban Năng suất Australia cho biết, vào giai đoạn 1970 - 1980, nền kinh tế Australia suy thoái, các DNNN hoạt động kém hiệu quả, thị trường vốn và lao động bị hạn chế. Chính phủ Australia đã phải cải cách bằng việc xây dựng chính sách cạnh tranh xóa bỏ sự méo mó trong phân bổ nguồn lực bắt nguồn từ sở hữu nhà nước của doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, DNNN không được hưởng bất kỳ một lợi thế cạnh tranh nào so với các doanh nghiệp khác.

Bà Rosalie Mc Lachlan cho biết, chính sách này đã mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế Australia. Ước tính, cải thiện năng suất và giảm giá sau cải cách chính sách cạnh tranh giúp GDP của Australia tăng thêm 2,5% vào thập niên 90. Người tiêu dùng nước này có sự lựa chọn các nhà cung cấp trong một số thị trường như điện, viễn thông, gas…

Bà Rosalie Mc Lachlan chia sẻ: “Quá trình thực hiện cải cách đã gặp phải những phản ứng, chống đối gay gắt, song chúng tôi đã có những hướng giải quyết hiệu quả. Chẳng hạn như thực hiện lượng hóa những chi phí phải trả khi hạn chế cạnh tranh trong thị trường điện, viễn thông… bằng những con số cụ thể (số tiền) để người dân thấy được những hệ quả không mong muốn, từ đó yêu cầu phải cải cách những thị trường này”.

Cũng theo bà Rosalie, từ năm 2014, Chính phủ Australia tiếp tục hoàn thiện chính sách cạnh tranh bằng cách rà soát cả “rễ và cành” của hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh nhằm mang lại một môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp.