Thận trọng điều hành, kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Yêu cầu “giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống” của Quốc hội được cho là phù hợp, có ý nghĩa trong bối cảnh các chính sách tài chính, tiền tệ đang gặp áp lực lớn. Giới chuyên gia cho rằng, đây có thể coi là đòi hỏi về tính “thận trọng và kiên định” trong công tác điều hành, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng ổn định.
Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh đến từ cả bên ngoài và bên trong. Ảnh: Nhã Chi
Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh đến từ cả bên ngoài và bên trong. Ảnh: Nhã Chi

Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội lưu ý, trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, dự báo tình hình kinh tế và chính trị - an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng cao; thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn. Vì thế, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể những yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ…

Trong khi đó, tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo nền kinh tế đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh. Cụ thể là, lạm phát giá tăng và điều kiện huy động tài chính cũng bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến cầu nội địa trong vài tháng tới.

WB khuyến nghị, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tiếp tục nâng lãi suất, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn. Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để bảo đảm giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản tăng tốc.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ chủ động bám sát và nắm chắc tình hình để đưa ra các giải pháp, công cụ điều hành phù hợp với liều lượng, thời điểm hợp lý. Sự phù hợp ở đây không chỉ là với xu thế của thế giới mà còn phù hợp với thực tiễn và đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

“Chính sách tiền tệ sẽ được điều hành trong mối quan hệ phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong tổng thể các giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt để kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như bảo đảm an sinh xã hội”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, thông điệp “giữ vững ổn định vĩ mô trong mọi tình huống” có ý nghĩa rất quan trọng và hợp lý trong thời điểm hiện nay, bởi các rủi ro của kinh tế thế giới và trong nước đã và đang tác động và gây áp lực không nhỏ cho công tác điều hành, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa.

“Thị trường tiền tệ - tài chính đang có dấu hiệu ổn định hơn so với trước, song đang có nhiều kiến nghị trái chiều về các giải pháp điều hành. Do đó, yêu cầu giữ ổn định vĩ mô được nhấn mạnh một lần nữa thể hiện tính kiên định trong điều hành đất nước. Xét về mọi mặt, ổn định vĩ mô là nền tảng để tăng trưởng bền vững trong năm tới và những năm tiếp theo của Việt Nam”, ông Bình nói.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất một số giải pháp để đạt được mục tiêu này.

Trước hết, phát huy và tận dụng các cơ hội và động lực tăng trưởng đến từ quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực. Do vậy, cần quan tâm giải quyết các khó khăn vướng mắc cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, các kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng và các nhà đầu tư liên quan đến chính sách, thủ tục hành chính, cách điều hành cụ thể ở từng lĩnh vực. Các cấp, thậm chí cấp địa phương cần chủ động đối thoại chính sách, cung cấp thông tin kịp thời, dữ liệu tin cậy và minh bạch các giải pháp, chủ trương chính sách đối với các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung và các giải pháp cụ thể cho việc điều hành vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế nói riêng. Đồng thời, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự do cạnh tranh ở mức cao nhất, tránh can thiệp hành chính của Nhà nước vào thị trường nếu không thực sự cần thiết.