Thận trọng với tiền ảo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo được đánh giá là bắt nhịp với xu hướng của thế giới hiện nay. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trước hết cần làm rõ khái niệm và bản chất của loại tiền này. Đồng thời, cần lường trước các rủi ro, bắt đầu từ những bước thí điểm thận trọng.
Việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Nhã Chi
Việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Nhã Chi

Tại Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) với thời gian thực hiện là 2021 - 2023.

Liên quan nội dung về tiền ảo, Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (không bao gồm bitcoin và các loại tiền ảo) và bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự).

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech, cả quy định pháp lý và Ngân hàng Nhà nước nhiều lần nhấn mạnh, việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Do đó, trước hết cần làm rõ khái niệm để rạch ròi bản chất của “tiền ảo” theo chủ trương xây dựng thí điểm.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo là bước tiến lớn, bắt nhịp với cách làm tương tự về thí điểm tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (Central bank digital currency - CBDC) đang diễn ra tại nhiều nước. Việc nghiên cứu và phát triển CBDC là bước tiến quan trọng, tiến tới đưa VND trở thành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền, có kiểm soát. Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc tiến gần hơn đến mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia và nền kinh tế số đến năm 2030 và xa hơn.

CBDC được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Ở khía cạnh khác, bản chất tiền kỹ thuật số có chủ quyền quốc gia là hình thức "điện tử hóa" dạng vật chất của tiền mặt, nên không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, vẫn có thể tạo dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, CBDC cũng có 4 rủi ro chính. Đó là: mức độ chấp nhận thấp do tâm lý, hiểu biết kỹ thuật chưa nhiều; rủi ro ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán khi lỗi hay vi phạm xảy ra; rủi ro kỹ thuật và các hoạt động phi pháp; thách thức đối với điều hành của ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý, nhất là đối với các giao dịch xuyên biên giới. Vì vậy, tương tự như một số quốc gia khác, Việt Nam cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với bước đi phù hợp, nhưng cũng không nên quá bảo thủ, thận trọng đến mức cản trở tiến trình chuyển đổi số quốc gia…

“Để đạt được hiệu quả, chúng ta nên khởi đầu với các giao dịch giá trị nhỏ trong giao thông công cộng, mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, du lịch, khách sạn…, sau đó từng bước mở rộng giá trị và phạm vi giao dịch để không gây xáo trộn hệ thống thanh toán. Sau đó, cần có đánh giá mức độ ảnh hưởng và tác động của ứng dụng này từ phạm vi, quy mô nhỏ đến phạm vi và quy mô lớn, rồi tiến hành nhân rộng mô hình theo từng giai đoạn cụ thể. Đây có thể là một bước tiến lớn trên cả thị trường tài chính - tiền tệ, phương thức thanh toán lẫn nền tảng công nghệ nên cần rất thận trọng khi đưa CBDC vào sử dụng chính thức”, ông Lực nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục