Thanh toán không dùng tiền mặt: Doanh nghiệp vẫn chờ pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), song hoạt động này chưa có nhiều tiến triển do vẫn còn một số khoảng trống về pháp lý và cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện. Trong khi đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đầu tư cầm chừng và chờ đợi.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Những năm gần đây, Chính phủ nêu rõ chủ trương thúc đẩy TTKDTM. Điển hình là Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển TTKDTM. Các ngân hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi, mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng; đồng thời, từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng nhiều ngành, lĩnh vực.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019; qua Internet tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng tương ứng 184,2% và 186,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, số liệu từ NHNN cũng cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán luôn ở mức khoảng 12% trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý cho cơ chế thử nghiệm hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng hoặc thí điểm dùng tài khoản viễn thông (mobile money) thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ vẫn còn trên kế hoạch sau nhiều lần bàn thảo.

Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, NHNN đã trình Thủ tướng Dự thảo Quyết định về việc phê duyệt thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ từ tháng 4/2020.

Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan vẫn còn những điểm chưa thống nhất và các đầu mối vẫn đang phải bàn thảo lại. Những điểm chưa thống nhất này hiện chưa được nêu cụ thể.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Nexttech cho biết, doanh nghiệp này đã chờ đợi mòn mỏi từ 2 - 3 năm nay để được cấp phép cho các đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực fintech, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời và cũng không nhận được phản hồi từ phía cơ quan chức năng.

“Doanh nghiệp khởi nghiệp fintech chỉ biết chờ đợi và đầu tư cầm chừng để tránh rủi ro. Trong khi đó, ở các nước trên thế giới, fintech đang phát triển mạnh mẽ và góp phần đẩy mạnh hoạt động TTKDTM. Do đó, việc chậm xây dựng hành lang pháp lý sẽ khiến cho nỗ lực thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam gặp khó”, ông Bình nói.

Còn theo ông Richard McClellan, cố vấn cao cấp về chiến lược kinh doanh và phát triển kinh tế của Công ty RMAC Advisory, TTKDTM tại Việt Nam vẫn còn một số rào cản dù các công ty fintech đang cố gắng đẩy mạnh hoạt động và Chính phủ chủ trương hỗ trợ TTKDTM. Những khó khăn chủ yếu của quá trình này là người dân vẫn ưu tiên thanh toán bằng tiền mặt kể cả cho các giao dịch trực tuyến, lĩnh vực fintech vẫn chưa phát triển về cả quy mô và khung khổ pháp lý.

Do đó, theo vị cố vấn này, có một số vấn đề cần chú ý trong nỗ lực xây dựng khung khổ pháp lý và phát triển TTKDTM. Đó là, thiết kế cấu trúc hạ tầng phù hợp để bảo đảm tính khả dụng và động lực để chuyển sang thanh toán phi tiền mặt; thiết lập chính sách phù hợp, cơ chế khuyến mại để hướng dẫn và khuyến khích người bán hàng cũng như người tiêu dùng sử dụng; biện pháp bảo vệ cho người dùng; cách bảo đảm khả năng tiếp cận các hệ thống thanh toán trung tâm.

“Việc chuyển sang giao dịch không dùng tiền mặt là rất quan trọng, giúp tái tạo toàn cảnh ngành ngân hàng. Tại Việt Nam, các yếu tố chính về quy định, nhân khẩu, mức độ thâm nhập Internet, thương mại điện tử… đang dần trở nên thuận lợi cho sự phát triển của TTKDTM. Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích tăng trưởng trong lĩnh vực này”, ông Richard McClellan nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục