Thấp thỏm giá dầu

Giá dầu trên thị trường thế giới liên tục “phá đáy”, có thời điểm chỉ còn 26 USD/thùng. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 tăng 0,8% - thấp nhất trong nhiều năm qua. Đây là 2 trong những nội dung sẽ được quan tâm trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2016.
Năm 2015, nên tổng số thu từ dầu thô giảm 64.000 tỷ đồng
Năm 2015, nên tổng số thu từ dầu thô giảm 64.000 tỷ đồng

Trước khi bước vào năm mới 2016, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã cho rằng, điều hành vĩ mô năm 2016 sẽ khó  hơn năm 2015 do độ mở của nền kinh tế lớn hơn rất nhiều. Vì thế, biến động của thị trường thế giới, kinh tế thế giới tác động vào Việt Nam sẽ rất nhanh, rất mạnh.

Vẫn theo ông Ninh, giá dầu thô giảm làm giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên ngân sách địa phương có thể tăng thu, nhưng Ngân sách Trung ương chắc chắn giảm thu. “Năm 2016, Quốc hội đặt dự toán thu từ dầu thô 54.500 tỷ đồng với giá bán bình quân 60 USD/thùng, chưa biết giá dầu thô trên thị trường thế giới diễn biến thế nào, nhưng từ đầu năm đến nay đã giảm quá sâu rồi”, ông Ninh lo lắng.

Trước thực tế này, ông Ninh yêu cầu, năm 2016, ngành tài chính phải vượt thu 7-8% dự toán để có nguồn bù hụt thu Ngân sách Trung ương bị tác động do giá xăng dầu giảm.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới bắt đầu lao dốc mạnh kể từ quý IV/2014, với kinh nghiệm đối phó với giá dầu giảm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho hay, kỳ họp thứ 8, Quốc hội vừa thông qua số thu từ dầu thô năm 2015 là 93.000 tỷ đồng với giá dầu giao bình quân 100 USD/thùng, nhưng vài ngày sau giá dầu thô trên thị trường thế giới rớt xuống chỉ còn 80 USD/thùng!

Trước tình thế diễn biến khó lường này, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản về giá dầu (60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng) trình Chính phủ để điều hành chính sách tài chính cho phù hợp. Nhưng cuối cùng, vào những tuần cuối cùng của năm 2015, giá dầu trên thị trường thế giới giảm quá mạnh (xuống dưới 40 USD/thùng) khiến giá bán bình quân trong năm chỉ đạt 55 USD/thùng, thấp hơn mức dự báo đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 là 57 USD/thùng, nên tổng số thu từ dầu thô giảm 64.000 tỷ đồng, tức ngân sách nhà nước giảm thêm 1.000 tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội.

Diễn biến giá dầu thô trong tháng đầu năm 2016 đang có xu hướng lặp lại kịch bản của năm 2015 khi Quốc hội vừa thông qua dự toán giá dầu 60 USD/thùng thì giá dầu trên thị trường thế giới “rớt thê thảm”. Trước thực tế này, Bộ Tài chính lại đưa ra các kịch bản giá dầu để tìm biện pháp cân đối ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh, theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) chính là “cơ hội vàng” để Việt Nam chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12/2015 chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chính là do giá xăng dầu giảm. “Giá xăng dầu trong nước năm 2015 liên tục giảm đã kéo theo chỉ số giá nhóm hàng “nhà ở và vật liệu xây dựng” và “giao thông” lần lượt giảm 1,62% và 11,92%, so với năm trước. Trong đó, riêng giá xăng dầu giảm  24,77% đã góp phần giảm CPI chung 0,9%”, bà Ngọc cho biết.

Còn trong tháng 1/2016, CPI “giậm chân tại chỗ” so với tháng 12/2015 và chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 1/2016 tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, theo Tổng cục Thống kê, là do giá xăng dầu giảm từ 760 - 2.120 đồng/lít sau 2 lần điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian gần đây.

“Giá xăng dầu giảm đã kéo theo chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 6,44% so với tháng 12/2015, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%, đồng thời cũng kéo theo giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,35%”, bà Ngọc cho biết.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chia sẻ, năm 2015, CPI tăng thấp nhờ giá xăng dầu giảm mạnh là cơ hội để điều chỉnh một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, nhưng ngoài giá điện tăng 7,5% vào ngày 16/3/2015, các loại dịch vụ khác (viện phí, học phí) đã bị bỏ lỡ cơ hội. Chính vì vậy, không muốn mất cơ hội lần nữa, trước viễn cảnh CPI năm 2016 khó có thể tăng cao, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã cho phép điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình để tiến tới tính theo đúng giá thị trường.

“Mặc dù CPI tăng thấp, nhưng việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá vẫn được thực hiện hết sức thận trọng, vì đây đều là hàng hóa, dịch vụ cơ bản, thiết yếu đến đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Ninh khẳng định.