Rào cản chính của Việt Nam trong hiện thực hóa cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là đổi mới tư duy hành động. Ảnh: Lê Tiên |
Trong khi đó, CMCN 4.0 lại có tốc độ phát triển, lan tỏa mạnh như vũ bão. Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể vượt qua thách thức này?
Vai trò dẫn dắt của chính phủ
Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động CMCN 4.0 diễn ra ngày 16/8, ông Indy Johar, cố vấn CMCN 4.0 cho Scotland, Canada và EU cho biết, cuộc cách mạng này đang diễn ra nhanh chóng, sẽ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, thương mại truyền thống. Trong cuộc cách mạng này, con người được xem là chi phí, nên các ông chủ thường xem xét cắt giảm và thay vào đó là robot, máy móc để thực hiện nhằm tiết giảm chi phí. Còn hoạt động quản lý của các cơ quan chức năng cũng đơn giản. Các quy định, quy tắc của chính phủ được thể hiện thông qua các văn bản bằng giấy tờ theo phương pháp truyền thống thì nay cần một cách quản trị mới đòi hỏi chính các cơ quan chính phủ đổi mới sáng tạo. “Như vậy, trong cuộc cách mạng này, chính phủ tiếp tục là người điều tiết, thay đổi mô hình quản trị để dẫn dắt, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả”, ông Indy Johar khẳng định.
Còn theo ông Singmeng, chuyên gia thuộc Văn phòng AI quốc gia Singapore thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Chính phủ Singapore đã sớm nhìn ra cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 nên từ năm 2016, một cơ quan quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI) đã được thành lập. Cơ quan này điều phối và chia sẻ các dữ liệu của Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội để xây dựng như một dạng tài nguyên khai thác và tạo môi trường cho khởi nghiệp.
Đáng chú ý, nhằm tối ưu hóa cơ hội từ CMCN 4.0 mang lại, trong chiến lược, kế hoạch hành động của Singapore bám chắc vào hai trụ cột chính. Một là, khung hành động đối với nền kinh tế số hóa nhằm tránh tâm lý cát cứ của từng cơ quan. Toàn bộ dữ liệu của các cơ quan phải được chia sẻ, hợp nhất trong hệ thống chung để dễ tiếp cận và sử dụng. Hai là, Chính phủ giúp doanh nghiệp tận dụng công nghệ theo kịp xu hướng trên thế giới.
“Để Singapore có được chiến lược và kế hoạch hành động tốt trong CMCN 4.0, mỗi năm, tất cả các thành viên trong Nội các đều có bản trình bày về chính phủ điện tử, AI để xem họ hiểu gì về quốc gia thông minh, và đề xuất đóng góp để xây dựng quốc gia thông minh”, ông Singmeng cho biết.
Việt Nam phải làm gì để không bỏ lỡ cơ hội?
Với CMCN 4.0, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho rằng, đây là thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội quý với các nền kinh tế phát triển sau, trong đó có Việt Nam. “CMCN 4.0 có thể mang lại nhiều cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, giải quyết các thách thức, nắm bắt cơ hội nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và đạt được các mục tiêu tăng trưởng bền vững”, ông Lê Quang Mạnh khẳng định và cho biết, với ý nghĩa đó, lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết rất mạnh mẽ về việc tăng cường sự sẵn sàng của quốc gia nhằm nắm bắt cơ hội từ CMCN 4.0.
Tuy nhiên, đề cập về sự sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam với CMCN 4.0, ông Nguyễn Thắng, tư vấn của UNDP chia sẻ, qua điều tra, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài CMCN 4.0, ít doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế, Chính phủ đang có khá nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Song qua điều tra, một số DNNVV trả lời là không hề biết có ưu đãi đó nên không tiếp cận được. Vì thế, Chính phủ cần có cách thức, chính sách đúng mục tiêu.
Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Thắng, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, rõ ràng là chúng ta đang có rào cản trong việc hiện thực hóa cơ hội từ CMCN 4.0. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với chúng ta không phải bắt nguồn từ trình độ công nghệ, hay thiếu nguồn nhân lực chất lượng, mà chính là sự thay đổi trong tư duy và hành động. Nếu rào cản này được tháo gỡ, cơ hội sẽ tự nhiên mà đến…