Tính đến 16 giờ ngày 24/8, giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco đã tăng gần 27% so với đầu năm 2020. Ảnh: Song Lê |
Tính đến 16 giờ ngày 24/8, giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco đã tăng gần 27% so với đầu năm nay. Tuy nhiên, tính từ ngày 6/8, thời điểm giá vàng thế giới đạt đỉnh cao kỷ lục trên 2.052 USD/oz đến nay, giá vàng lại mất đến hơn 5% giá trị. Bước sóng lớn của thị trường cũng là cú sốc với nhiều nhà đầu tư do không kịp bán chốt lời ở vùng giá cao hoặc cắt lỗ khi giá vàng giảm nhanh.
Giới đầu tư thế giới cho rằng, sau đà tăng liên tục từ đầu năm đến ngày 6/8, giá vàng đang trải qua giai đoạn điều chỉnh với nguyên nhân là giới đầu tư bán ra nhằm chốt lời, đồng USD vẫn giữ ổn định giá trị trên thị trường thế giới và giới hoạch định chính sách của các nước lớn đang trù trừ với các chiến lược kinh tế theo diễn biến của dịch bệnh.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, đợt điều chỉnh mạnh nhất tính từ đầu năm đến nay là cần thiết để giá trị của kim loại quý này tiếp tục duy trì xu hướng đi lên trong dài hạn.
Một diễn biến đáng chú ý với thị trường vàng thế giới là trong 2 ngày 27 - 28/8 tới đây, giới tài chính thế giới sẽ dự Hội nghị chuyên đề tài chính Jackson Hole tại Mỹ để bàn luận về các vấn đề và giải pháp với nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu.
Sự kiện năm nay có chủ đề "Điều hướng thập kỷ tiếp theo: Hàm ý đối với chính sách tiền tệ". Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ phát biểu vào lúc 9h10 sáng 27/8. Thông điệp từ bài phát biểu này sẽ có tác động mạnh đến thị trường. Giới quan sát cho rằng, bất cứ khi nào Chủ tịch Fed phát biểu, thị trường đều có sự biến động đáng kể. Hiện thị trường kim loại quý đang nghe ngóng xem, liệu ông Powell có lo lắng hay không và quan điểm của ông về nền kinh tế trong 3 tháng tới như thế nào. Nếu Chủ tịch Fed phát đi thông điệp lo ngại về triển vọng kinh tế thì thị trường rất có thể tiếp tục rung lắc mạnh.
Quan sát biến động của thị trường vàng thế giới và trong nước, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng có một số điểm đáng chú ý.
Trước hết, trong một tháng tăng - giảm mạnh của giá vàng từ trước và sau ngày 6/8, biên độ dao động bình quân của giá vàng thế giới là khoảng 7% trong khi biên động dao động của giá vàng trong nước lên đến trên 16%.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch của thị trường vàng Việt Nam, giá vàng SJC mua vào và bán ra có thời điểm ghi nhận mức chênh lệch lên đến 4 triệu đồng/lượng. Đó là lúc 12h ngày 12/8, khi đó giá vàng SJC mua vào - bán ra được giao dịch ở mức 48 triệu đồng - 52 triệu đồng/lượng.
Mặt khác, từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC liên tục bám theo giá vàng thế giới ở mức bằng hoặc cao hơn, nhưng trong ngày 12/8, có lúc giá vàng SJC đã thấp hơn giá vàng thế giới, cho thấy thị trường trong nước có một khoảng thời gian ngắn rơi vào tâm lý hoảng loạn.
Về trạng thái lãi - lỗ của các nhà đầu tư trong nước, ông Trần Thanh Hải nhận xét: “Chắc chắn là có người thắng và người thua như quy luật đầu tư của mọi loại hàng hóa. Tuy nhiên, phản ánh của một số nhà đầu tư nhỏ lẻ cho thấy, có trường hợp muốn chốt lời khi giá vàng tăng cao hoặc cắt lỗ khi giá vàng bắt đầu giảm nhưng không kịp bởi biến động giá quá nhanh. Do đó, nếu các nhà đầu tư nhỏ lẻ chọn vàng làm kênh đầu tư thì nên giao dịch tại các điểm kinh doanh vàng hợp pháp và có uy tín. Có thể ký hợp đồng ký gửi vàng, khi muốn mua vào và bán ra có thể chỉ cần một cuộc gọi điện thoại để tránh rủi ro trong trường hợp giá giao dịch biến động quá nhanh”.