Các chuyên gia của Hiệp hội Du lịch Thế giới cho rằng, vịnh Vân Phong là một trong những thắng cảnh nghỉ ngơi đẹp nhất trong khu vực châu Á. Ảnh: Lê Tiên |
Nhanh nhưng chất lượng
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện luật cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là rất cần thiết. Tuy nhiên, không cần thiết phải xây dựng 3 luật riêng cho 3 đơn vị như một số ý kiến đã nêu.
Theo ông Trần Anh Tuấn, mỗi vùng miền có một đặc thù riêng, có vị trí khác nhau, quy mô dân số, diện tích khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có một luật chung áp dụng cho tất cả “đặc khu”, sau đó có văn bản hướng dẫn riêng cho từng nơi dựa trên những đặc điểm riêng, lợi thế riêng…
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, việc xây dựng luật cần chú ý tới chính sách ưu đãi nhà đầu tư, thu hút lao động… làm sao để tạo sự chuyển biến, phát triển cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này.
“Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, việc xây dựng các mô hình đặc khu kinh tế là hướng đi đúng. Ở các nước họ có đặc khu kinh tế từ rất lâu rồi. Vì chúng ta đi sau nên cần phải có những bước đi làm sao có thể cạnh tranh được với những đặc khu khác”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Ông Tuấn nhấn mạnh, việc có cạnh tranh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào câu chuyện chính sách mà cụ thể ở đây là việc soạn thảo Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Việc sớm có một dự án luật chất lượng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của các “đặc khu”.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Anh Tuấn cho biết, khi trình bất kỳ dự án luật nào cũng qua nhiều giai đoạn, trong đó có việc xem xét xem có phù hợp với thực tiễn của Việt Nam không, có phù hợp với thông lệ quốc tế không, có vi phạm cam kết gì không.
Chính phủ đã xin trình Quốc hội bổ sung 4 dự án luật tại Kỳ họp thứ 4, trong đó có Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. “Muốn thông qua nhanh thì bản thân Dự án Luật phải đảm bảo chất lượng. Thông qua rồi, muốn đi vào cuộc sống phải đảm bảo tính toàn diện”, ông Tuấn phát biểu.
Cho tới lúc được Quốc hội thông qua, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt còn phải trải qua một hành trình dài lấy ý kiến đóng góp. Theo ông Tuấn, để đảm bảo chất lượng Luật, Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu kỹ để Luật có cơ sở pháp lý vững chắc, giảm tối đa việc phải sửa đi sửa lại.
“Ban soạn thảo Luật muốn đẩy nhanh tiến độ thì trước hết cũng phải nhanh, phải làm tốt”, ông Tuấn nói. Cũng theo vị này, trong quá trình xây dựng Luật cần chú ý rà soát thật kỹ những cam kết quốc tế và những ưu đãi của các nước trên thế giới trong việc xây dựng đặc khu.
“Làm sao để đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nhưng phù hợp với những cam kết quốc tế của mình. Tôi cho rằng, việc xây dựng đặc khu, ưu tiên tạo động lực phát triển kinh tế là hướng đi rất đúng. Tuy nhiên, việc này có thành công hay không nhất thiết phải tạo ra được môi trường hấp dẫn, thể chế thông thoáng, một nền hành chính kiến tạo, phục vụ”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Càng chậm, càng mất cơ hội thu hút đầu tư
“Tôi cho rằng Luật này càng được thông qua sớm càng tốt. Bởi vì càng chậm, càng để lâu thì địa phương càng mất cơ hội trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, nhanh nhưng chất lượng phải tương xứng với các luật đặc khu trên thế giới. Thậm chí, vì mình đi sau họ cả 10 - 20 năm, nên nếu không hơn họ được thì ít nhất phải bằng họ. Nếu không sẽ rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư” - ông Lược nêu quan điểm.
Theo ông Võ Đại Lược, trong việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ưu đãi thuế không quan trọng bằng thể chế chính sách. “Xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, chúng ta tập trung thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài, không phải doanh nghiệp trong nước. Do vậy, thể chế này phải cạnh tranh mang tầm quốc tế” - ông Lược nhấn mạnh.
Vậy thể chế hành chính của các khu vực này nên theo hướng nào để hấp dẫn các nhà đầu tư? Theo ông Lược, điều đầu tiên, cần hạn chế đến mức cao nhất sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường, để thị trường hoạt động tự do.
“Hồng Kông có 4 cục thôi, rất đơn giản và tập trung. Trong khi đó, các chính quyền không phải đặc khu của Trung Quốc thì thậm chí có tới 30 - 40 sở, ban, ngành”, ông Lược dẫn chứng.
Cũng theo ông Lược, ưu đãi thuế cần được áp dụng chung hết cho mọi đối tượng, không nên có nhiều thang bậc. Vì có nhiều mức thì sẽ dễ dẫn đến “xin - cho” và không minh bạch. Để đảm bảo chất lượng Luật, ông Lược cho rằng, cần lưu ý đến ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, để xem họ muốn gì, họ cần gì. Luật phải tạo được thông thoáng thì nhà đầu tư mới muốn ở lại.
Bàn về việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, có 3 vấn đề cần được lưu ý.
Cụ thể, đó là phải làm rõ được cái gì sẽ làm cho các đơn vị hành chính - kinh tế này trở nên đặc biệt. Thứ hai, những nơi này phải thực sự là những “phòng thí nghiệm” thể chế. Và thứ ba là những nơi này có phải là động lực để kéo cả nền kinh tế đi lên được hay không?
Ông Dũng cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng Luật cho các “đặc khu” này thì vấn đề thể chế, chính sách cần được quan tâm hàng đầu. “Thể chế ở đây được hiểu theo 2 nghĩa: đó là quản trị hành chính công và hệ thống pháp luật. Không nhất thiết phải tìm ra những ý tưởng hoàn toàn mới, việc xây dựng luật này muốn nhanh, chất lượng thì nên học các nước tiến bộ trên thế giới. Chúng ta đi sau nên chúng ta có cơ hội được tiếp cận những gì tốt nhất của thế giới. Nếu áp dụng tốt thì chúng ta hoàn toàn có thể thành công”, ông Dũng nêu quan điểm.
“Chủ trương xây dựng các “đặc khu” kinh tế đã có từ rất lâu rồi. Hơn nữa, chúng ta lại đang trong giai đoạn cải cách, đổi mới. Do vậy, cần thúc đẩy nhanh hơn nữa để nếu thấy ổn thì tạo động lực phát triển cho cả nước và có thể nhân rộng mô hình này”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.
Sân bay Vân Đồn đang được gấp rút xây dựng, sẵn sàng đưa vùng đất này “cất cánh”. Ảnh: Lê Tiên