Trung tướng Nguyễn Hồng Cư thuộc thế hệ thanh niên Cách mạng Tháng Tám, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Từ năm 1940 đến 1944, ông là học sinh của Trường Bưởi, nay là Trường Chu Văn An. Thời đó, trong trường có phong trào yêu nước. Từ năm 1941, phong trào Việt Minh ra đời, ở trường đã có những hoạt động bí mật của những học sinh yêu nước lưu truyền nhau những tài liệu, báo của mặt trận Việt Minh. Ngoài ra, phong trào hoạt động công khai rất rầm rộ trong nhà trường đó là phong trào du lịch. Phong trào này hoạt động công khai và tổ chức những cuộc du lịch đến những địa danh lịch sử như Bạch Đằng Giang. Ở đó chúng tôi cùng nhau ôn lại 3 lần đánh quân Nguyên và hát bài hát Bạch Đằng Giang của Lê Hữu Phước. Phong trào còn đưa học sinh đi đến Lam Kinh, ở Thanh Hóa ôn lại cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi. Rồi đến Gò Đống Đa, ôn lại cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Huệ - Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Những hoạt động đó đã khơi dậy lòng yêu nước của các học sinh thời đó và định hướng đi theo Việt Minh.
Năm 1944, tôi tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học (bây giờ là phổ thông cơ sở). Lúc bấy giờ, người Mỹ ném bom quân Nhật ở Hà Nội. Nhà trường phải sơ tán vào trong Thanh Hóa. Bộ phận tú tài học ở trường Nhà Dòng của Thanh Hóa. Trong một buổi lên lớp của 1 giáo sư người Pháp, không ngờ mật thám Pháp bao vây nhà trường, theo danh sách nắm được từ trước, họ bắt tống vào nhà giam rất đông học sinh. Khi vào trong nhà giam, tôi và các học sinh được gặp các giáo sư ở Thanh Hóa, dạy các trường tư như ông: Nguyễn Tài Uyên, ông Hồ Trúc (sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục), ông Võ Đức Huề, Trần Quang Huy (sau này là cán bộ Thành ủy, Hà Nội thời kỳ sau khởi nghĩa). Trong nhà tù ấy, thầy, trò chúng tôi biến nhà tù thành trường học. Chính các giáo sư đã giác ngộ thêm cho các học sinh chúng tôi về Việt Minh và về Đảng. Khi quân Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), trong tù nổi dậy một cuộc phá tù. Các giáo sư và học sinh đã liên hệ được với một số người lính lệ canh gác tù giúp cho mở toang cửa tù và thoát tù. Trong dịp ấy, tôi thoát tù và giam gia hoạt động tiền khởi nghĩa tại địa phương (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Khi nghe tin ngày 19/8 ở Hà Nội tổng khởi nghĩa, thì tôi lập tức ra Hà Nội và gặp ngay các bạn Trường Bưởi và được các bạn Trường Bưởi giới thiệu vào đơn vị Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Thành Hoàng Diệu (tiền thân của Quân khu Thủ đô – Bộ đội địa phương đầu tiên của Hà Nội). Thành ủy Hà Nội tổ chức ngay 1 lực lượng vũ trang gồm 6 trung đội để bảo vệ Thành ủy, bảo vệ Xứ ủy và Trung ương. Trung đội của tôi có 2 người được vinh dự đi bảo vệ Bác Hồ khi đó.
Trung tướng Nguyễn Hồng Cư
Kỷ niệm quan trọng trong dịp này là đội tự vệ chiến đấu cứu quốc, ngoài những nhiệm vụ bảo vệ và làm công tác dân vận còn được giao nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp lễ đài ngày độc lập. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ mới chính thức đọc Tuyên ngôn Độc lập, nhưng từ ngày mùng 1/9, đội tự vệ đã có 2 trung đội ra chiếm lĩnh địa bàn, bảo vệ vòng trong. Vòng ngoài thì chiếm lĩnh các nhà cao tầng để quan sát từ xa. Các tổ trinh sát làm nhiệm vụ cũng được tổ chức rất chặt chẽ. Đêm 1/9, các tổ đi rà soát các vật liệu nổ. Đến sáng 2/9, các tổ hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an toàn cùng với lực lượng công an mới thành lập. Chiều 2/9, tôi và đồng đội được chứng kiến cảnh tượng chưa từng thấy, đó là cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Ba Đình và cũng là lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ.
Khi ấy, nhân dân Hà Nội trong trang phục đẹp nhất, cờ hoa rợp trời. Trong các đường phố chăng những khẩu hiệu nêu rõ ý chí giành độc lập bằng 4 thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung Quốc và Việt Nam) “Độc lập hay là chết”. Khoảng 3 giờ chiều ngày hôm đó, ánh nắng trên Quảng trường Ba Đình rất đẹp. Lúc đấy, có đoàn xe ô tô Limousine màu đen, hai bên có công an đi xe đạp bảo vệ. Đến trước lễ đài có đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời. Dẫn đầu đoàn ấy là một người mặc bộ quần áo ka-ki vàng, đi dép cao su trắng. Lúc đó, tôi và đồng đội chưa biết đó là ai, chỉ nghe giới thiệu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, trong âm sắc của Người có pha tiếng Nghệ. Đồng chí Hoàng Phương (sau này là Chính ủy Quân Chủng Phòng không - Không quân) cấp trên trực tiếp của tôi lúc đó ghé vào tai tôi nói: “Cậu có biết không, ông cụ là Nguyễn Ái Quốc!”. Cảm tưởng của tôi lúc bấy giờ là sự hạnh phúc, sung sướng không thể tả được, tràn ngập trong lòng mình, lần đầu tiên được thấy Nguyễn Ái Quốc. Trước đó chỉ thấy hình ảnh của Người đội mũ mơ-lông đăng trên báo Pháp mà bạn bè truyền tay cho nhau trong những ngày đi học.
Trong khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Người có dừng lại và nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”? Tôi và đồng đội khi đó có cảm giác rất lạ kỳ, giữa lãnh tụ và nhân dân hòa làm một, rất giản dị và gần gũi. Tất cả Quảng trường hàng triệu người nói “có” kéo dài...
Cảm xúc lớn nhất tiếp theo đó là giơ tay thề độc lập. Mỗi lần Người xướng lời thề xong, thì tất cả mọi người hô “Xin thề!”. Có một điều rất lạ là khi giơ tay “Xin thề” thì nước mắt lại trào ra. Tôi cứ tưởng mỗi mình xúc động, nhưng khi nhìn sang ông Hoàng Phương thì cũng thấy đang rơi nước mắt. Hạnh phúc của những người biết thế nào là thời kỳ nô lệ, thế nào là vong quốc nô, là mất nước. Đến lúc này thì mỗi người đã trở thành một công dân của nước Việt Nam độc lập...
Trung tướng Hồng Cư đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới chống quân bành chướng. Ông tham dự những trận đánh lớn trong các chiến dịch lớn. Trong đánh Pháp, ông có mặt từ chiến dịch Việt Bắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chống Mỹ thì ông là phái viên của Tổng cục Chính trị đi các chiến dịch lớn như chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch Quảng Trị và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30/4/1975, ông đi với Quân đoàn 2 sau xe tăng 390 khi húc đổ cánh cửa sắt. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ thì ông có mặt tại Dinh Độc lập.
Lúc ấy, ông bước vào thảm cỏ của Dinh Độc lập thì lần thứ 2 nước mắt trào ra. Ông tưởng mỗi mình xúc động, nhưng khi nhìn thấy ông Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2, ông Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn đi cùng ông cũng đều lau nước mắt. Đó là những giây phút không thể nào quên. Lúc ấy, ông có sự tự hào là đã từng giơ tay thề độc lập từ năm 1945 và mang lời thề ấy trong trái tim của mình đi suốt cuộc kháng chiến chống Pháp tới Điện Biên Phủ. Sau đó đi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ tới chiến dịch Hồ Chí Minh. Thế hệ của ông đã hoàn thành lời thề độc lập. Lòng tự hào là trong các thế hệ chống ngoại xâm của dân tộc ta thì có một thế hệ của “Lời thề độc lập”. Trong các trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp của ông thì trận đánh làm ông xúc động nhất là trận cuối cùng – chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc nhiệm vụ đối với Tổ quốc của một thế hệ, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ của quân đội anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng!