Nguồn: Báo cáo tài chính Công ty CP Điện Gia Lai. Đơn vị tính: tỷ đồng |
Bốn dự án trong tầm ngắm điều tra
Nhằm phục vụ điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương... Hồ sơ của từng nhà máy điện EVN phải cung cấp cho Cơ quan An ninh điều tra gồm toàn bộ hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của các nhà máy điện.
Góp mặt trong danh sách này có 4 nhà máy điện thuộc sở hữu của Công ty CP Điện Gia Lai, gồm Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1, Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 2, Nhà máy Điện gió Ia Bang 1, Nhà máy Điện gió VPL Bến Tre với tổng công suất 230 MW. Trong đó, Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 có công suất lớn nhất (100 MW) mới được vận hành vào năm 2023, tổng mức đầu tư 4.464 tỷ đồng.
Các dự án này được Điện Gia Lai đầu tư thông qua các công ty dự án, trong đó, Điện Gia Lai đóng vai trò công ty mẹ quản lý cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp dự án điện. Cụ thể, Điện Gia Lai đang nắm giữ 54,93% vốn điều lệ của Công ty CP Năng lượng Điện gió Tiền Giang - chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 và Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 2. Tại Công ty CP Điện gió Ia Bang - chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Ia Bang 1, Điện Gia Lai nắm giữ 99,53% vốn điều lệ. Còn tại Công ty CP Năng lượng VPL - chủ đầu tư Nhà máy Điện gió VOL Bến Tre 1, Điện Gia Lai nắm giữ 99,98% vốn điều lệ.
Ngoài các dự án trên, Điện Gia Lai cũng sở hữu 6 nhà máy điện mặt trời Phong Điền (48 MW), Krông Pa (69 MW), Đức Huệ 1 (49 MW), Hàm Phú 2 (49 MW), Trúc Sơn (45 MW) và Đức Huệ 2 (49 MW) với tổng công suất 309 MW. Trong đó, ngoại trừ Nhà máy Điện mặt trời Đức Huệ 2 đang được xây dựng thì các dự án còn lại đã được vận hành từ năm 2018 và năm 2019 với giá bán điện 9,35 UScent/kWh. Ngoài ra, Điện Gia Lai còn sở hữu 13 nhà máy thủy điện với tổng công suất 89,7 MW.
Gánh nặng nợ vay
Để triển khai loạt dự án điện năng lượng tái tạo, thủy điện, Điện Gia Lai phụ thuộc lớn vào khoản tín dụng và phát hành trái phiếu.
Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Điện Gia Lai ở mức 16.063 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả ở mức 10.193 tỷ đồng. Chiếm 97% nợ phải trả là nợ vay, 9.942 tỷ đồng (gồm 1.314 tỷ đồng vay ngắn hạn và 8.628 tỷ đồng vay dài hạn). Phần lớn các khoản nợ vay của Điện Gia Lai tập trung cho các dự án điện gió Tân Phú Đông 1 (khoảng 2.740 tỷ đồng), Tân Phú Đông 2 (khoảng 1.566 tỷ đồng), VPL Bến Tre (khoảng 1.063 tỷ đồng) và Ia Bang 1 (khoảng 1.131 tỷ đồng). Ngoài ra, các khoản vay tập trung cho các dự án điện mặt trời Krong Pa, Hàm Phú 2. Tài trợ vốn cho Điện Gia Lai lớn nhất là Ngân hàng Vietcombank, sau đó có BIDV, Worri Việt Nam và một số công ty cho thuê tài chính khác.
Việc đưa một số nhà máy điện gió hoạt động trong năm 2021 đã giúp doanh thu của Điện Gia Lai tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2023. Tuy nhiên, nợ vay cao tạo áp lực lớn mà Điện Gia Lai phải đối mặt, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất tăng cao như năm 2023. Dù ghi nhận doanh thu lên đến 2.163 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay lên đến 841,7 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế năm 2023 ở mức 195 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2024, Điện Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.266 tỷ đồng, tăng 19,25% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Điện Gia Lai lãi trước thuế 158 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2023.