Các cơ sở y tế đang dần được tháo gỡ nhiều vướng mắc. Ảnh: Nhã Chi |
Từng bước “cởi trói” cho cơ sở y tế
Thời điểm cách đây 1 năm, bác sỹ Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, Bệnh viện đang gặp muôn vàn khó khăn, có giai đoạn bị thiếu thuốc, vật tư, thiết bị cục bộ. Đến nay, Bệnh viện đã được tháo gỡ nhiều vướng mắc.
Từ tự chủ toàn diện, Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang tự chủ nhóm 2 - tự đảm bảo chi thường xuyên, phù hợp với một bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối, vừa thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi và Thông tư số 13/2023/TT-BYT giúp Bệnh viện có thêm nguồn lực tài chính từ việc tính đúng, tính đủ chi phí KCB, KCB theo yêu cầu. Từ đó, Bệnh viện có chính sách đãi ngộ để giữ chân các bác sĩ giỏi và người lao động tiếp tục ở lại cống hiến…
Bác sỹ Đào Xuân Cơ chia sẻ, hiện nay, người bệnh ở xa đến KCB ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai có thể sáng đi chiều về, vì có kết quả chụp chiếu ngay trong ngày, tiết kiệm được chi phí và thời gian chờ đợi. Ông hy vọng, hàng loạt văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế như: Nghị quyết số 30/NQ-CP, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP, Thông tư số 14/2023/TT-BYT… và gần đây là Luật Đấu thầu 2023 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lớn, giúp Bệnh viện mua sắm được thiết bị chụp chiếu, nội soi tiên tiến, phục vụ người bệnh.
Liên quan đến quyền lợi người bệnh, bà Trần Thị Trang - quyền Vụ trưởng Vụ BHYT thuộc Bộ Y tế cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan bảo hiểm xã hội trong Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT (được xác định dựa vào tổng chi phí KCB BHYT của năm trước liền kề để tạm ứng cho năm sau). Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí KCB BHYT theo giá dịch vụ, quyền lợi được hưởng của người tham gia BHYT khi đi KCB, giá mua vào theo quy định của Luật Ðấu thầu và thực tế sử dụng cho người bệnh, thuận lợi hơn trong thanh quyết toán BHYT.
Từ góc nhìn thực tế, bác sỹ Đào Xuân Cơ cho rằng, mệnh giá BHYT hiện đang quá thấp, nhiều năm chưa thay đổi và đang đồng nhất các loại hình dịch vụ kỹ thuật y tế. Do đó, ông mong rằng, Chính phủ cần sớm sửa chính sách, tăng dần mệnh giá BHYT và cho phép nhiều lựa chọn khác nhau để người dân được lựa chọn và cơ sở y tế có thêm điều kiện nâng cấp chất lượng dịch vụ.
Thêm giải pháp thúc đẩy sự phát triển
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó đề xuất phát triển các gói BHYT bổ sung thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, áp dụng cho những người tham gia BHYT bắt buộc. Gói BHYT bổ sung sẽ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu hoặc dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được quỹ BHYT cung cấp như KCB dịch vụ kỹ thuật cao; lựa chọn KCB giáo sư, bác sĩ; phòng, giường dịch vụ...
Theo thành viên Ban soạn thảo, đề xuất này được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường KCB BHYT hiện nay, hữu ích cho tất cả các bên như: khuyến khích cơ sở KCB phát triển dịch vụ chuyên môn kỹ thuật cao, khuyến khích DN kinh doanh bảo hiểm tham gia cung cấp dịch vụ, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia các gói BHYT theo đúng giá trị đồng tiền mà họ bỏ ra… Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, giải pháp này chỉ hiệu quả nếu có sự liên thông thống nhất, đồng bộ về dữ liệu.
Lấy ví dụ tại Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội. Nhờ ứng dụng QRcode cung cấp kết quả xét nghiệm rất minh bạch, nên người sử dụng và DN bảo hiểm đều có thể truy cập, theo dõi thông tin, hạn chế được tình trạng làm giả hồ sơ bệnh án để trục lợi bảo hiểm, hay chỉ định những xét nghiệm không cần thiết… Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin triển khai hồ sơ điện tử, cơ sở y tế tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chờ cho người bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ sở y tế đồng nhất dữ liệu còn thấp, mới khoảng 20%. Nhiều ý kiến cho rằng, để các bên liên quan chia sẻ dữ liệu và kết nối liên thông trong toàn ngành thì cần phải được thể chế hóa trong luật.
Để đảm bảo tính bền vững của các gói BHYT bổ sung trong dài hạn, đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Việt, PTI… cho rằng, cần tránh lặp lại tình trạng người có BHYT phải đồng chi trả nhiều hơn hoặc phải mua ngoài các dịch vụ đáng ra thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng khi đến bệnh viện công lập. Nỗi khổ của người bệnh đã được phản ánh nhiều, nhưng dễ thấy nhất là ví dụ, chi phí mổ sụn đầu gối tại Bệnh viện Việt Đức khoảng 35 triệu đồng, nhưng do thiếu hụt vật tư phẫu thuật nên người bệnh phải chuyển sang CSYT tư nhân để phẫu thuật và chịu chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Ông Đào Khánh Tùng, chuyên gia chính sách y tế quốc tế - cho biết, BHYT bổ sung là một xu thế tất yếu và đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới, mang lại lợi ích cho người dân, cơ sở y tế và xã hội. Không chỉ DN bảo hiểm có cơ hội, mà khối DN dược phẩm, vật tư, thiết bị y tế cũng được hưởng lợi từ chính sách này. Khi khả năng tiếp cận thuốc tốt, công nghệ tốt được tăng cường đồng nghĩa với việc DN mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt.