Tính đến 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%, thấp hơn nhiều mức tăng 1,99% của cùng thời điểm năm 2023. Ảnh: Nhã Chi |
Giãn, hoãn nợ: Đề xuất gia hạn thêm 6 tháng
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%, thấp hơn nhiều mức tăng 1,99% của cùng thời điểm năm 2023. Theo NHNN, điểm tích cực là hoạt động cho vay đối với mảng bán lẻ tăng tích cực, cho vay doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng tăng trong khi lãi suất cho vay ngày càng giảm.
Ông Đào Minh Tú cho biết, khơi thông nguồn vốn ra thị trường là nội dung được Chính phủ liên tục chỉ đạo, với yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa để tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế, vốn trong ngành ngân hàng rất dồi dào và NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN để tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. “Chúng tôi đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, thay vì kết thúc vào 30/6/2024”, ông Tú nói.
Liên quan đến nhu cầu vốn của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh nên nhu cầu vay vốn ngân hàng giảm. Quý I năm nay, tình hình xuất khẩu có khởi sắc, ngành du lịch và một số ngành tăng trưởng khá, đồng thời, lãi suất ngân hàng giảm, nên nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp đã và đang tăng.
“Nhiều doanh nghiệp cho biết đang rất cần vốn. Ngân hàng khẳng định nỗ lực tiếp cận doanh nghiệp, song trong nhiều trường hợp, cung cầu vốn vẫn chưa gặp nhau”, ông Tuệ nói và phân tích, lý do chính là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có khó khăn về tài sản bảo đảm, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Tuệ cho rằng, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. “Bên cạnh đó, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng nên được kéo dài thay vì kết thúc vào 30/6/2024”, ông kiến nghị.
Về phía ngân hàng, theo ông Tuệ, cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần vốn, nhưng lại gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Ảnh: Lê Tiên |
Thêm nỗ lực để cung - cầu vốn gặp nhau
Tại Ngân hàng Á châu (ACB), bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc khối khách hàng cá nhân chia sẻ, năm 2024, ACB tập trung khách hàng doanh nghiệp là khách hàng vừa, khách hàng lớn và củng cố phân khúc khách hàng cá nhân. Lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp chỉ 4,9%/năm, còn khách hàng cá nhân 6 - 8%/năm.
Với định hướng trên, quý I/2024, ACB đã đưa 18.000 tỷ đồng tín dụng đến các khách hàng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, tăng trưởng tín dụng khối khách hàng doanh nghiệp là 3,5%, khách hàng cá nhân tăng 3,8%. Tín dụng tập trung vào ngành chính là nông nghiệp, dệt may, nông sản, xuất nhập khẩu, với doanh nghiệp có dòng tiền, có doanh thu. ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cuối quý II/2024 là 9%.
Một số ngân hàng chia sẻ nỗ lực đưa vốn đến khách hàng, trong đó, Ngân hàng Quốc tế cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng trong quý I/2024 ước đạt 1%; OCB đạt 4,6%, HDBank đạt tới 6%...
Tuy vậy, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) mới đây cho thấy, hơn 43% doanh nghiệp nêu cần hỗ trợ về vốn, giảm lãi suất. Đặc biệt, 41% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, một số quy định về cho vay, thế chấp khoản vay và định giá tài sản thế chấp quá chặt chẽ làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng…
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện nhiều doanh nghiệp có “đầu ra”, nhưng lại không có tài sản bảo đảm hoặc chưa thuyết phục được về khả năng sinh lợi để đủ điều kiện vay vốn. Do đó, để hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, các ngân hàng cần dựa trên khả năng trả nợ của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội kinh doanh mới.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như đã áp dụng trong năm 2023. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư tư nhân bằng cách quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng. Các tổ chức tín dụng cần đồng bộ tiết giảm chi phí, cân đối chi phí huy động vốn, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
PGS. TS. Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật kiến nghị, các ngân hàng cần tiếp tục công bố lãi suất cho vay bình quân, đồng thời tính đến việc định kỳ công bố tỷ trọng giải ngân của từng mức lãi suất trong tháng, trong quý. Về phía doanh nghiệp, khi chấp nhận luật chơi thị trường thì phải tái cấu trúc chính mình, không thể yêu cầu ngân hàng cho vay dưới chuẩn bởi có thể dẫn đến rủi ro lớn cho hệ thống. “Trong mọi trường hợp, đồng vốn được đẩy ra nhưng tín dụng vẫn phải bảo đảm được chất lượng, an toàn cho chính ngân hàng và cho cả hệ thống, nhất là khi ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp”, ông nói.