Thêm khó khăn với lựa chọn giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù đã có 2 lần giảm lãi suất điều hành, song mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức “khó chịu đựng” đối với nhiều doanh nghiệp. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay.
Từ tháng 1/2023 đến nay, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 điểm %, hiện ở mức 7,1 - 8,4% đối với kỳ hạn 12 tháng. Ảnh: Nhã Chi
Từ tháng 1/2023 đến nay, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 điểm %, hiện ở mức 7,1 - 8,4% đối với kỳ hạn 12 tháng. Ảnh: Nhã Chi

Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp và nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng không hẳn vì lãi suất quá cao, chính sách lãi suất tại Việt Nam đang ở tình cảnh “ngã ba đường”…

Thống kê trên thị trường ngân hàng cho thấy, tính từ tháng 1/2023 đến nay, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 điểm %, hiện ở mức 7,1 - 8,4% đối với kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, theo SSI Research, hiện mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19, dao động ở mức 10 - 10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11 - 12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng đối với doanh nghiệp sản xuất thông thường, trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã điều chỉnh giảm, nhưng vẫn có những ngân hàng cho vay với lãi suất cao bất thường. Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai giải pháp tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục vận động các NHTM nhà nước, NHTM quy mô lớn giảm lãi suất để có mặt bằng lãi suất hợp lý hơn.

Bình luận về xu hướng lãi suất tại Việt Nam, Bộ phận Nghiên cứu kinh tế và các thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB (UOB Global Economics & Markets Research) cho rằng, NHNN có thể giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 0,5 điểm % trước thời điểm cuối quý II/2023. Ngoài ra, NHNN có thể sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất khác một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức rất cao 13 - 15%/năm với các khoản vay trung và dài hạn, là gánh nặng tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp.

Trong tháng 3/2023, NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành, theo đó lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm % xuống 3,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5 điểm % xuống 5,5%, lãi suất cho vay qua đêm của NHNN đối với các tổ chức tín dụng cũng giảm từ 7% xuống 6%/năm. NHNN cũng hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên thêm 1 điểm % xuống 4,5%/năm và giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 0,5 điểm %.

Theo ông Hiếu, mong muốn hạ lãi suất điều hành để giảm mặt bằng lãi suất cho vay là phù hợp song không dễ thực hiện. Theo đó, một trong những điều đáng ngại là Fed vừa tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp lên 5 - 5,25%, mức cao nhất trong 15 năm qua.

“Dù Fed nhiều khả năng không tăng lãi suất nữa, song việc tiếp tục giảm lãi suất (nếu có) của Việt Nam sẽ gây bất lợi cho tỷ giá USD/VND và có thể đẩy lạm phát lên cao. Chính sách lãi suất của Việt Nam hiện đứng ở “ngã ba đường” và khó có lựa chọn trọn vẹn. Hơn nữa, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng không chỉ vì lãi suất mà còn vì không thể đáp ứng điều kiện vay. Vì thế, việc tiếp tục giảm lãi suất, nếu có, cần cân nhắc hết sức kỹ càng, tránh tình trạng lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được vốn mà lại gây thêm rủi ro về tỷ giá và lạm phát”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, sẽ có “độ trễ” tác động nhất định từ việc giảm lãi suất điều hành đến mặt bằng lãi suất cho vay. “Trước đó, các ngân hàng đã huy động với lãi suất cao ở kỳ hạn dài. Do đó, dù lãi suất điều hành đã giảm từ đầu tháng 4 những vẫn cần khoảng 3 tháng, tức là từ khoảng tháng 7 trở đi thì mặt bằng lãi suất mới có thể giảm theo tương ứng. Có thể, từ quý III/2023, mặt bằng lãi suất sẽ bắt đầu giảm mạnh hơn”, ông Huân nói.

Mặt khác, theo ông Huân, việc điều hành chính sách tiền tệ không nên đột ngột chuyển từ trạng thái “thắt chặt kéo dài” sang “nới lỏng nhanh”. Thay vào đó, NHNN nên nới lỏng từng bước nhỏ, có thể tiếp tục giảm lãi suất ở mức 0,25 đến 0,5 điểm % nhưng cân nhắc thời điểm thực hiện. Hơn nữa, chính sách tiền tệ cần được điều hành theo hướng “có thể dự đoán”, tức là, NHNN nên nêu rõ thông điệp sẽ nâng hay giảm lãi suất ở mức nhiều hay ít để doanh nghiệp có thể dự liệu các kế hoạch kinh doanh, tránh trường hợp doanh nghiệp vừa ký hợp đồng vay với lãi suất cao thì NHNN công bố giảm lãi suất.

Tin cùng chuyên mục