Thép Việt xuất khẩu chưa hết “vận đen”

Nếu ở trong nước, ngành thép đang chịu sức ép lớn của hàng hóa nhập khẩu giá rẻ, thì ở thị trường xuất khẩu, thép Việt cũng chưa hết “vận đen”, khi mới đầu năm đã liên tiếp nhận thêm quyết định gia hạn áp thuế từ các thị trường nhập khẩu.
Sản xuất thép cuộn cán nguội
Sản xuất thép cuộn cán nguội

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) đã ra quyết định tiếp tục giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá thêm 5 năm đối với thép cuộn cán nguội của Việt Nam, mức thuế 12,3 - 27,8%.

Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ bị gia hạn áp thuế đợt này, Việt Nam phải chịu mức khá cao so với Hàn Quốc, Đài Loan, nhưng lại thấp hơn nếu so với Nhật Bản (18,6% - 55,6%) và Trung Quốc (13,6% - 43,5%).

Vụ việc được khởi xướng điều tra chống bán phá giá từ năm 2011, theo yêu cầu của nguyên đơn là Công ty PT Krakatau Steel. Tháng 3/2012, Bộ Tài chính Indonesia ra quyết định áp thuế chống bán phá giá ở mức 5,9% - 55,6% (tùy quốc gia) cho sản phẩm nói trên.

Đến tháng 9/2015, Indonesia tiến hành rà soát thuế theo quy định, sau đó tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với quan điểm không đổi trong quá trình điều tra rà soát.

Trong khi đó, tại Malaysia, đường đi của thép Việt vào thị trường này cũng gập ghềnh hơn, khi Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) đã ban hành kết luận sơ bộ về vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, nhằm ngăn chặn thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất nội địa, Malaysia quyết định áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời, tương ứng với biên độ phá giá 4,58 - 10,55% cho thép Việt Nam.

Tại thời điểm cuối năm 2015, sản phẩm ống thép cuộn các-bon (Circular Welded Carbon-Quality Steel Pipe - CWP) cũng bị Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Số liệu của Hải quan Hoa Kỳ cho thấy, giá trị nhập khẩu ống thép hàn các-bon từ Việt Nam vào Hoa Kỳ trong năm 2014 là 60,6 triệu USD, đây là mức nhập khẩu lớn nhất trong số các nước bị điều tra.

Bên cạnh đó, biên độ phá giá cáo buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng cao nhất, ở mức 113,18% so với một số quốc gia cũng bị Hoa Kỳ khởi kiện.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, năm 2015 là năm của phòng vệ thương mại đối với ngành thép. Việt Nam đã phải chịu 12 vụ điều tra chống bán phá giá, thì có tới 6 vụ về sản phẩm thép, trong đó 3 vụ do Malaysia và 3 vụ do Thái Lan khởi xướng.

Lý giải vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, ngành thép đã bị vướng kiện chống bán phá giá nhiều đến vậy, đại diện VSA cho rằng, do lượng thép xuất khẩu của Việt Nam gần đây tăng cao, lại thêm giá bán ở mức khá thấp, khiến các nước đối tác sử dụng phương án kiện để bảo vệ sản xuất nội địa.

Thép cũng là mặt hàng bị "soi" nhiều, do là ngành công nghiệp cơ bản, các nước đều muốn phát triển, đồng thời bảo hộ sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, nguy cơ bị mất thị trường xuất khẩu là rất hiện hữu, nếu các doanh nghiệp thép không điều chỉnh lượng hàng hóa xuất khẩu phù hợp với từng thị trường.

“Các quốc gia nhập khẩu chỉ cần thấy sản lượng thép nhập vào nội địa tăng đột biến là đã đưa vào diện cảnh báo, chưa nói đến giá xuất khẩu”, bà Trang cho biết. Cũng cần nhắc lại, có thời điểm Hiệp hội Gang Thép Malaysia đã lên tiếng cảnh báo sản phẩm thép, tôn tráng kẽm, tôn mạ màu từ Việt Nam nhập khẩu vào Malaysia tăng vọt trong một thời gian ngắn. Phía Malaysia cho biết, nếu Việt Nam không có những điều chỉnh kịp thời thì họ sẽ khởi kiện.

VSA nhận định, trong năm nay, thép Việt sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Campuchia, Lào… trước sắt thép giá rẻ từ Trung Quốc đang dồn vào đây. Còn tại các thị trường Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, thép Việt tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao, nên xuất khẩu sẽ khó khăn hơn.

Tin cùng chuyên mục