![]() |
Xe tải của nhà thầu xếp hàng chờ lấy đá tại khu vực mỏ Tân Cang, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Như Nguyệt |
Ông Cao Xuân Vinh, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng Tân Nam cho biết, Tân Nam đang tham gia thi công Gói thầu số 26 của Dự án thành phần (DATP) 3 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Đồng Nai thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM (529,779 tỷ đồng, ký hợp đồng ngày 19/12/2023, thời gian thực hiện 990 ngày). Quá trình thực hiện Gói thầu gặp 2 vướng mắc lớn là thiếu mặt bằng trong thời gian dài và thiếu nguồn vật liệu (đất đắp và đá). Mặc dù tỉnh Đồng Nai đã quyết liệt tháo gỡ nhưng chưa triệt để nên tiếp tục ảnh hưởng tới tiến độ thi công xây dựng. Tính đến ngày 8/4/2025, khối lượng thi công của Gói thầu mới đạt 23,5% giá trị hợp đồng. “Hiện nay, chúng tôi không thể tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” dù thiết bị máy móc, con người đầy đủ. Lý do là thiếu nguồn đất đắp nền, đá phục vụ thi công”, ông Vinh nói.
Ông Vinh cho biết thêm, Nhà thầu hiện phải mua đất đắp nền nguồn thương mại. Ngoài phí tài nguyên và các chi phí theo quy định thì phải trả tiền mua đất cho người dân dẫn tới giá thành mỗi m3 đất rời giao động từ 100.000 - 135.000 đồng. Điều khó hơn là người dân không thể xuất hóa đơn cho nhà thầu phục vụ công tác thanh quyết toán.
Không chỉ thiếu nguồn đất đắp nền, Tân Nam còn gặp khó về nguồn cung đá xây dựng. Ông Vinh cho biết, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản phân khai đá xây dựng đến từng nhà thầu và từng mỏ hoạt động khai thác đá xây dựng, nhưng khi Nhà thầu gửi công văn đến mỏ đá Ấp Miễu thì nhận được câu trả lời là không thể cung cấp đá. Để thực hiện Gói thầu số 26, Tân Nam cần 130.000 m3 đá xây dựng, hiện tại mới tập kết được hơn 10.000 m3. Nhà thầu đề xuất điều phối việc cung cấp đá cho các dự án linh hoạt giữa các mỏ, giữa các nhà thầu trên nguyên tắc đúng hạn ngạch đã duyệt cho các mỏ. Tới nay, chưa có hướng nào gỡ khó về nguồn đá xây dựng cho Tân Nam.
Tương tự, nguồn cung ứng vật liệu cho DATP 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 cũng đang rất căng thẳng, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ xây dựng. Tại Gói thầu số 21 thuộc DATP 1, ông Nguyễn Thành Bắc, Trưởng bộ phận thi công đường thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) cho biết, tổng nhu cầu khối lượng đất và đá phục vụ thi công đoạn tuyến do CC1 đảm nhiệm khoảng 430 nghìn m3. Hiện nay, khối lượng đất về công trường khoảng 5 - 6 nghìn m3/ngày, cơ bản bảo đảm tiến độ đến 30/5/2025 hoàn thành việc đắp nền. Giai đoạn sau đó, Nhà thầu cần khối lượng đá rất lớn song hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. “Chúng tôi đã làm việc với các mỏ đá theo phân khai của tỉnh Đồng Nai. Các mỏ đã ký hợp đồng và cam kết cung cấp đá về công trình với mức cung cấp 1.000 m3/ngày. Tuy nhiên, thực tế khối lượng đá về công trình chỉ khoảng 500 - 600 m3/ngày, trong khi CC1 cần 3.000 m3/ngày mới đáp ứng yêu cầu tiến độ 30/6/2025 hoàn thành thi công lớp cấp phối đá”, ông Bắc lo lắng.
Chia sẻ với phóng viên, nhiều nhà thầu khác thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua Đồng Nai như: Công ty CP Hải Đăng, Công ty CP Xây lắp 368, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát cho biết, tốc độ, sản lượng cung cấp đá xây dựng hàng ngày từ các mỏ có hạn. Tình trạng xe chở vật liệu của các nhà thầu ùn ứ, chờ đợi lấy đá thường xuyên xảy ra do cùng lúc các mỏ phải điều phối cung cấp cho hàng loạt dự án khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư DATP 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và DATP 3 Vành đai 3 - TP.HCM cho biết, đầu tháng 4/2025, tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 3605/UBND-KT điều chỉnh phân khai hơn 7,1 triệu m³ đá xây dựng đến từng nhà thầu và từng mỏ hoạt động khai thác đá xây dựng. Tuy nhiên, tiến độ, sản lượng đá cung cấp cho các nhà thầu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng quá tải tại các mỏ khiến lượng đá xây dựng về công trường còn hạn chế, có tình trạng xe chờ đợi lấy đá mất rất nhiều thời gian, gây tốn kém thêm chi phí cho nhà thầu.
Riêng với DATP 3 thuộc Dự án Vành đai 3 - TP.HCM, nhu cầu đá xây dựng khoảng 0,462 triệu m3, nhưng tổng khối lượng đá về công trường mới đạt khoảng 0,026 triệu m3 (bằng 5,6% tổng nhu cầu). Theo phân khai của tỉnh Đồng Nai, mỏ Tân Cang 7 và mỏ Tân Cang 9 cung cấp cho Dự án nhưng 2 mỏ này chưa trang bị dây chuyền, thiết bị khai thác vật liệu cấp phối đá dăm để sản xuất kích thước phù hợp cung cấp cho Dự án. Do vậy, Ban kiến nghị Tỉnh xem xét, điều phối nguồn vật liệu từ mỏ Ấp Miễu và mỏ Tân Cang 1 cho Dự án. Đối với các nhà thầu đã ký hợp đồng với các đơn vị quản lý mỏ vật liệu trước ngày 10/2/2025, kiến nghị được tiếp tục điều phối từ nguồn đã ký kết.