Thí điểm đấu thầu thuốc tập trung tại BHXH Việt Nam: Hiệu quả nhưng còn vướng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 2 lần tổ chức thí điểm đấu thầu thuốc tập trung tại Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, kết quả đấu thầu đã đạt được mục tiêu giảm giá thuốc theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả theo hình thức này thì cần có quy định đầy đủ, cụ thể hơn về trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư (CĐT), bên mời thầu (BMT), cơ sở khám chữa bệnh (CSKCB), cũng như tăng chế tài xử phạt đối với CĐT, nhà thầu vi phạm.
Đấu thầu thuốc tập trung giúp giảm giá thuốc theo chỉ đạo của Chính phủ, thống nhất đơn giá trúng thầu trong khu vực, trên toàn quốc. Ảnh: Gia Khoa
Đấu thầu thuốc tập trung giúp giảm giá thuốc theo chỉ đạo của Chính phủ, thống nhất đơn giá trúng thầu trong khu vực, trên toàn quốc. Ảnh: Gia Khoa

Tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/7/2016, BHXH Việt Nam được Chính phủ giao thí điểm tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung (ĐTTT) quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. Mục tiêu đặt ra là giảm từ 10 - 15% giá thuốc trong năm 2017, đặc biệt là thuốc biệt dược. Cho tới nay, đơn vị này đã 2 lần tổ chức ĐTTT.

Lần thứ nhất là mua sắm cho năm 2018, có 5 hoạt chất với 6 thuốc, chia làm 4 gói thầu. Giá trúng thầu là 946,7 tỷ đồng, giảm được 117 tỷ đồng, tương đương giảm 11% so với giá kế hoạch và 21,1% so với giá thuốc bình quân năm 2017.

Lần thứ hai là mua sắm cho 2 năm 2019 – 2020, có 14 hoạt chất với 26 thuốc, chia làm 7 gói thầu (6 gói thầu thuốc generic mua theo 6 vùng và 1 gói thầu thuốc biệt dược gốc (BDG) và tương đương điều trị) với tổng giá gói thầu là 11.661,7 tỷ đồng. Sau khi đấu thầu, 15 mặt hàng thuốc BDG và 95 mặt hàng thuốc generic trúng thầu với tổng giá trúng thầu là 9.424,4 tỷ đồng, giảm 22,34% so với giá trúng thầu bình quân năm 2018 (tương ứng 2.868,5 tỷ đồng). Thậm chí, một số thuốc còn giảm giá trên 50% so với giá trước khi ĐTTT.

Về tình hình mua thuốc tại các CSKCB, tổng giá trị mua sắm là hơn 5.400 tỷ đồng, đạt 60,1% giá trị kế hoạch. Chi phí thực tế mua sắm tiết kiệm so với giá thuốc trước khi ĐTTT tại các địa phương là 1.413,04 tỷ đồng (tương ứng 20,74%), trong đó thuốc BDG là 329,51 tỷ đồng (12,68%), thuốc generic là 1.083,53 tỷ đồng (25,72%).

Theo BHXH Việt Nam, kết quả đấu thầu đã đạt được mục tiêu giảm giá thuốc theo chỉ đạo của Chính phủ, giúp thống nhất đơn giá trúng thầu trong khu vực, trên toàn quốc. Đồng thời, tạo mặt bằng giá hợp lý để xây dựng kế hoạch khi thực hiện đấu thầu trong các năm sau. Ngoài ra, một số địa phương còn căn cứ vào giá thuốc ĐTTT do BHXH Việt Nam thí điểm ĐTTT để xây dựng giá kế hoạch mua sắm các thuốc sử dụng tiếp tục trong năm 2021, từ đó làm cho giá thuốc trúng thầu hơn nữa. Đây cũng là căn cứ để Hội đồng đàm phán giá thuốc quốc gia thực hiện đàm phán giá đối với các thuốc BDG đã hết hạn bản quyền để giảm giá thuốc theo chỉ đạo của Chính phủ.

Với kết quả đó, BHXH Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới nên tiếp tục mở rộng danh mục đàm phán giá dựa trên kết quả ĐTTT quốc gia do BHXH Việt Nam thực hiện thí điểm.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của BHXH Việt Nam, quá trình thí điểm ĐTTT cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, các văn bản quy định về ĐTTT thuốc quốc gia chưa đầy đủ; thiếu các hướng dẫn chi tiết về xử lý tình huống trong đấu thầu và thực hiện thỏa thuận khung; thiếu các quy định cụ thể phù hợp với ĐTTT quốc gia như phương thức bảo lãnh thực hiện hợp đồng, thời gian ký kết hợp đồng, trách nhiệm, phương thức thực hiện và quy trình phối hợp của các bên trong quá trình giám sát và điều tiết thuốc.

Mặt khác, hướng dẫn về xác định nhu cầu thuốc chưa đầy đủ, chi tiết dẫn đến tình trạng CSKCB đề xuất nhu cầu quá cao so với thực tế sử dụng. Theo quy định về sử dụng thuốc trúng thầu, giá trị mua sắm thuốc của các CSKCB theo kết quả đấu thầu phải đạt trên 80% so với kế hoạch đã đăng ký, song trên thực tế, chỉ có 1.438/1.544 CSKCB đã thực hiện mua sắm thuốc theo kết quả ĐTTT quốc gia do BHXH Việt Nam thực hiện. 50/62 tỉnh, thành phố mua sắm thuốc đạt tỷ lệ trên 50%. Một số địa phương đạt tỷ lệ mua sắm thấp như Bắc Kạn, Tây Ninh… Đặc biệt, 105 CSKCB có đề xuất kế hoạch nhưng không thực hiện mua sắm thuốc, trong đó một số đơn vị có giá trị kế hoạch mua thuốc rất lớn. Tuy vậy, pháp luật chưa có chế tài xử phạt nghiêm đối với những CSKCB này.

Về phía nhà thầu, một số mặt hàng không có nhà thầu tham dự do không đủ năng lực cung ứng với số lượng lớn (lần 1 có 3/24 mặt hàng thuốc không trúng thầu; lần 2 có 22/120 mặt hàng thuốc không lựa chọn được nhà thầu). Các nhà thầu đồng thời là nhà sản xuất, nếu không trúng thầu thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh, nếu tiếp tục giao BHXH Việt Nam mở rộng danh mục thuốc và triển khai hiệu quả theo hình thức này trong thời gian tới thì cần quy định đầy đủ, rõ ràng và cụ thể hơn về trách nhiệm và thẩm quyền của người có thẩm quyền, CĐT, BMT; tăng chế tài xử phạt đối với CSKCB, nhà thầu vi phạm.

Tin cùng chuyên mục