Thị trường bất động sản đang dần ấm lại |
Nền móng cho sự phát triển bền vững
Thị trường bất động sản đang dần ấm lại. Chính việc hoàn thiện hành lang pháp lý và tháo nút thắt tín dụng thời gian qua đã đặt nền móng cho sự phát triển bền vững.
Cụ thể, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể và bổ sung phương pháp xác định giá đất. Trong đó, xác định rõ nội hàm và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp, bao gồm: so sánh, thu nhập, hệ số điều chỉnh giá đất và thặng dư.
Điều này có tác động rất lớn, giúp nguồn cung bất động sản sẽ sớm được "mở khóa", khi hơn 50% các dự án vướng mắc pháp lý đều đến từ khó khăn trong công tác xác định giá đất.
Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi nhấn mạnh và quy định cụ thể hơn về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đây cũng là cơ hội giúp tiếp cận quỹ đất trở nên công bằng đối với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nền tảng tài chính và năng lực triển khai tốt.
Mặt khác, việc gia hạn thời gian triển khai được thắt chặt sẽ giảm thiểu việc các chủ đầu tư gom đất ồ ạt nhưng chậm triển khai, lãng phí nguồn lực xã hội và mất cân bằng tài chính.
Lâu nay, thị trường bất động sản và thị trường tín dụng luôn có mối tương quan mật thiết. Thường tăng trưởng tín dụng tăng thì lượng giao dịch bất động sản thành công tăng. Đa số người đi mua bất động sản đều sử dụng tiền vay chứ không ai mua toàn bộ bằng tiền tự có.
Đối với tín dụng, mặc dù quý I/2024 thị trường bất động sản vừa bước qua cơn trầm lắng, nhưng dư nợ cho vay bất động sản đã chiếm 27 - 28% tổng dư nợ tín dụng. Vấn đề này minh chứng, tỷ trọng cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng.
Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, nếu phân tích theo từng tháng, rõ ràng tín dụng bất động sản đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đặc biệt là tháng 4/2024. Điểm đặc biệt là tín dụng cho vay mua nhà để ở chiếm số lượng lớn. Trong số 981,5 nghìn tỷ đồng thì tín dụng cho vay mua nhà để ở chiếm khoảng 688 nghìn tỷ đồng, chiếm 68% so với tổng dư nợ.
Đặt trong mối liên hệ với tín dụng bất động sản cả nước thì tín dụng bất động sản của TP.HCM chiếm khoảng 33% trong tổng dư nợ bất động sản cả nước và nếu phân tích tín dụng chung trên địa bàn thì chiếm khoảng 27%. Ngược trở lại những năm gần đây, tín dụng bất động sản cũng chiếm 27 - 28% tổng dư nợ tín dụng, tùy theo thời điểm.
Ngành bất động sản sẽ bước vào chu kỳ mới
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nguồn cung bất động sản trong năm 2024 - 2025 sẽ khơi thông mạnh mẽ và ngành bất động sản sẽ bước vào chu kỳ mới 2025 - 2026.
Sự đóng băng năm 2022 - 2023 khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì bất động sản không bán được, buộc giảm giá có khi hơn 30% để xoay dòng tiền và không phải trả lãi ngân hàng, nhưng vẫn thiếu thanh khoản trầm trọng.
Song, theo Công ty CP Chứng khoán SSI, cơ hội lớn chỉ xuất hiện trong lúc cùng cực nhất. Lúc khủng hoảng là lúc phân bổ lại tài sản, là cơ hội dành riêng cho người biết nắm bắt. Thế nên, cơ hội cho nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn còn nhiều.
Vẫn theo SSI, năm 2022, thị trường chứng kiến sự sụt giảm không phanh của hàng loạt cổ phiếu bất động sản do các vụ bê bối về trái phiếu của những ông lớn của ngành được lôi ra ánh sáng, việc thao túng đẩy giá trên thị trường chứng khoán bị phanh phui, giá cổ phiếu liên tục bị bán sàn...
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, trên thị trường không có những thông tin tiêu cực và rủi ro như vậy. Dẫu thế, sự khủng khiếp, sự thất vọng và cắn rứt đến tột độ khi có rất nhiều tài khoản từ lãi rất nhiều đến lỗ rất sâu khiến cho nhà đầu tư cá nhân ám ảnh, vẫn đang là một bài học lớn.
"Chu kỳ ngành bất động sản sẽ trở lại, minh chứng sự trở lại gần đây nhất của ngành ngân hàng khi một số đã tạo đỉnh ở quý II/2021, một số tạo đỉnh ở quý I/2022 và hồi phục mạnh mẽ vào quý I/2024", SSI khẳng định.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, không chỉ chung cư, gần đây phân khúc đất nền vùng ven Hà Nội cũng đã dần có sự sôi động trở lại. Trong đó, những mảnh đất giá trị từ 2 - 3 tỷ đồng được nhà đầu tư ưa chuộng.
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường đã bắt đầu “rã băng”. Mức độ quan tâm đến đất nền vào 2 quý cuối năm 2023, chỉ đạt 44% lực cầu ở thời kỳ sốt nóng 2021, nhưng sang đến quý I/2024 đã tăng lên mức 48%.
Thị trường bất động sản đã “rã băng” từng phần, cho thấy những tín hiệu đầu tiên của thị trường được hâm nóng trở lại. Không phải ngẫu nhiên khi các cổ phiếu có dự án tại Hải Phòng, Hà Nội tăng mạnh giai đoạn vừa qua như: HDG, VHM, NTL...
Riêng ở phía Nam, những cổ phiếu như PDR, KDH, NLG… vẫn đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư bởi những doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính tốt, quỹ đất lớn, có nhiều dự án đang đưa sản phẩm ra thị trường, cơ hội rõ ràng và ít rủi ro.
Tham khảo ý kiến của một số chuyên gia chứng khoán cho hay, thời điểm này vẫn là lúc có nhiều lợi thế để đầu tư vào cổ phiếu bất động sản. Bởi, so với nhiều ngành khác, lĩnh vực bất động sản đang đi lên từ vùng đáy và đang dần chuyển mình.