SCIC hiện sở hữu 29,51% vốn điều lệ BMP |
Một nguồn tin cho biết, đó sẽ là một doanh nghiệp nhựa.
Hiện có 2 tên tuổi trong diện này là CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) hoặc CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP). Tỷ lệ sở hữu của SCIC tại 2 doanh nghiệp này lần lượt là 29,51% và 37,1%.
BMP hiện có có thị giá 129.000 đồng/cổ phiếu; NTP có thị giá hơn 60.000 đồng/CP. Bên cạnh yêu cầu đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không cần nắm giữ, một trong những lý do thúc đẩy SCIC bán vốn tại các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả là thiếu doanh thu bán vốn do việc thoái vốn tại các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả gặp nhiều khó khăn.
Ngoài SCIC là cổ đông lớn tại 2 doanh nghiệp trên, hiện Nawaplastic Industries, một thành viên của Nawaplastic - công ty chuyên sản xuất ống nhựa PVC tại Thái Lan là cổ đông lớn tại BMP và NTP.
Nawaplastic Industries hiện nắm giữ 9,28 triệu cổ phiếu BMP (20,4%) và 14,77 triệu cổ phiếu NTP (23,84%). Trong trường hợp SCIC tiến hành thoái vốn, không loại trừ khả năng nhà đầu tư Thái Lan sẽ tiếp tục gia tăng sở hữu tại 2 “ông lớn” ngành nhựa Việt Nam.
Trả lời các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, SCIC đã bán vốn tại 811 DN, trong đó bán hết vốn nhà nước tại 733 DN, bán bớt phần vốn nhà nước tại 78 doanh nghiệp và bán quyền mua lại 19 DN, với tổng doanh thu bán vốn đạt 9.243 tỷ đồng trên giá vốn 3.925 tỷ đồng, thặng dư bán vốn là 5.360 tỷ đồng.
Theo quy định, SCIC hạch toán thặng dư bán vốn số tiền 5.360 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ theo quy định. Giai đoạn 2013 trở về trước thì phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ được tiếp tục bổ sung Quỹ đầu tư phát triển của SCIC.