Thiếu đồng bộ pháp lý, khó đẩy mạnh xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022. Để tránh “khoảng trống” pháp lý về xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2022 hoặc kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42/2017/QH14 thêm 3 năm.
Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, việc xử lý nợ xấu vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Minh Dũng
Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, việc xử lý nợ xấu vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Minh Dũng

Các tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, việc xử lý nợ xấu vẫn gặp một số khó khăn.

Theo đó, Nghị quyết 42 cho phép các tranh chấp liên quan tới tài sản bảo đảm của nợ xấu được giải quyết theo thủ tục rút gọn, song nhiều TCTD chưa thể áp dụng nội dung này.

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Pháp chế Vietcombank cho biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 317 và Khoản 4 Điều 323 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì toà án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

“Trong trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ chống đối, không hợp tác, rất dễ phát sinh trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới làm cho vụ án không đảm bảo được điều kiện xét xử theo thủ tục rút gọn mặc dù vẫn đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị quyết 42”, ông Phương nói.

Một trở ngại khác là quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Giám đốc xử lý nợ của Ngân hàng SCB cho biết, quá trình xử lý nợ xấu tại Ngân hàng cho thấy, dù khách hàng đã có thỏa thuận với Ngân hàng trong việc bàn giao tài sản bảo đảm nhưng thiếu cơ chế cụ thể thực hiện việc bàn giao, thu giữ tài sản này.

Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, TCTD gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán, phương tiện vận tải, dự án bất động sản, chưa có quy định về thời hạn hoàn trả tài sản bảo đảm trong các vụ án hình sự kéo dài.

Từ thực tế đó, Vụ Pháp chế thuộc NHNN cho biết đã đề xuất hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu theo 2 phương án.

Phương án một là đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.

Đó là, sửa đổi quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm theo hướng TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm.

Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Nghị quyết 42 theo hướng có quy định loại trừ không áp dụng “quy định về trường hợp xuất hiện tình tiết mới trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn”.

Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Nghị quyết 42 theo hướng bổ sung quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng có khoản nợ là nợ xấu.

Đồng thời, bổ sung quy định về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật của các vụ việc hành chính.

Theo bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Luật Ngân hàng - Tài chính thuộc Đại học Luật Hà Nội, Luật Xử lý nợ xấu phải nhất thể hóa tất cả các văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu hiện nay để tạo ra một chính sách đồng bộ và thống nhất về các quy định, giải quyết tình trạng chồng chéo trong các văn bản pháp luật. Nếu làm được điều này, việc triển khai mới thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, Luật Xử lý nợ xấu cần xác định các chủ thể tham gia quá trình xử lý nợ xấu, trong đó cần quan tâm đến 2 vấn đề: mua bán nợ xấu và chứng khoán hóa các khoản nợ xấu. Khi luật hóa Nghị quyết 42 cần quy định rõ những hệ nguyên tắc cụ thể và xác định rõ các nhóm đối tượng điều chỉnh để bảo đảm tính ổn định và lâu dài của luật.

Phương án hai là đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 với thời hạn 3 năm.

Tin cùng chuyên mục