Thoái vốn, cổ phần hóa DNNN giậm chân tại chỗ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quá trình cổ phần hóa tiếp tục diễn ra chậm chạp trong những tháng đầu năm. Cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính cho biết đã đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng có công văn đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác này trên tinh thần nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu.
Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu. Ảnh: Lê Tiên

Về tình hình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong 4 tháng đầu năm 2021, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, mới chỉ có Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 2 DN thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc với tổng giá trị DN là 202 tỷ đồng, quyết định phê duyệt giá trị DN của Công ty TNHH MTV Đầu tư, xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi.

Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2020, không có DNNN nào được cổ phần hóa. Dù tiến độ này nhỉnh hơn cùng kỳ năm ngoái song vẫn còn 88 doanh nghiệp trong danh sách phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020 chưa thực hiện.

Về thoái vốn, lũy kế 4 tháng đầu năm đã thoái với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng. Trong đó, đã thoái tại 3 đơn vị thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng. Thoái vốn tại 9 DN thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng.

Đối với công tác bàn giao vốn về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), 4 tháng đầu năm, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu 3 DN của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Công ty CP Du lịch và Xúc tiến đầu tư, Công ty CP Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị ngành in và Công ty CP Phim Giải Phóng, với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 218 tỷ đồng.

Cùng trong thời gian này, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN là 193 tỷ đồng. Số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo dự toán năm 2021.

Để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, Bộ Tài chính cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định về tiêu chí phân loại DNNN và DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có công văn chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN trên tinh thần nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu phải quyết tâm thực hiện.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng và đóng góp ý kiến để hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan lĩnh vực này. Đó là: rà soát, tổng kết, báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và các văn bản hướng dẫn có liên quan; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”; xây dựng 6 thông tư hướng dẫn các nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, việc triển khai cổ phần hóa trong năm nay tùy thuộc vào kết quả khống chế dịch Covid-19, bởi nếu dịch bệnh vẫn đe dọa thì sẽ khó thoái vốn do việc đấu giá phải thực hiện trực tiếp. Ở khía cạnh khác, kết quả thoái vốn phụ thuộc vào diễn biến trên thị trường chứng khoán. “Hy vọng trong nửa cuối năm nay, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ nhanh hơn nhờ việc xác định giá trị DN thông thoáng hơn, gắn trách nhiệm với tổ chức thẩm định giá. Bên cạnh đó, quy chế bán đấu giá bảo đảm theo cơ chế thị trường nên hoạt động đấu giá sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn”, ông Đặng Quyết Tiến nói.

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính trong giai đoạn tới là khẩn trương hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, quản lý và sử dụng vốn nhà nước.

“Đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp lại khối DNNN, tinh gọn số lượng, tập trung nguồn lực đầu tư nhà nước vào các DNNN có vị trí quan trọng, hoạt động hiệu quả gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xử lý cơ bản xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay...”, ông Phớc cho biết.

Tin cùng chuyên mục