Hình thức đầu tư PPP đã góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Ảnh: Lê Tiên |
Khung pháp lý về PPP chưa hoàn thiện
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT TP.HCM, quá trình triển khai các dự án PPP hiện nay còn một số hạn chế liên quan đến sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai dự án PPP theo đúng quy luật khách quan của thị trường, đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và Nhà nước, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư, việc ban hành Luật PPP là rất cần thiết.
Đại diện Cục Quản lý đấu thầu khẳng định, cùng với việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước, việc huy động mọi nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia phát triển kết cấu hạ tầng và các lĩnh vực khác là tất yếu khách quan.
Mô hình PPP đã góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng và đang trở thành một trong những mô hình hợp tác có hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực phát triển hạ tầng ở Việt Nam. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, việc thu hút đầu tư tư nhân dưới hình thức này còn hạn chế, chưa được như kỳ vọng. Ngoài những yếu tố khách quan (như chi phí đầu tư lớn, độ rủi ro cao...), những bất cập về chính sách, về nguồn lực được bố trí và trong thực thi chính sách là nguyên nhân chính làm hạn chế việc áp dụng mô hình PPP tại Việt Nam trong những năm qua.
Nhằm hoàn thiện khung pháp lý về PPP, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật PPP để khắc phục tình trạng các quy định về PPP hiện còn chồng chéo ở nhiều luật mà cấp nghị định chưa thể xử lý được. Đến nay, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PPP đã được Chính phủ thông qua và trình Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, dự kiến Luật PPP sẽ được thông qua vào đầu năm 2020.
Tận dụng ý tưởng của nhà đầu tư
Theo đánh giá của bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, đây đang là thời điểm chín muồi cho việc ra đời Luật PPP. Quá trình xây dựng Luật PPP trong thời gian tới rất cần sự hỗ trợ, tham gia ý kiến của các đại biểu - đại diện từ cộng đồng doanh nghiệp đúng như tinh thần hợp tác công tư. TP.HCM là địa phương năng động nhất, tập trung đông đảo nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm tham gia vào các dự án PPP. Do đó, Cục Quản lý đấu thầu mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ từ chính cộng đồng doanh nghiệp này để sớm hoàn thiện nội dung của Dự thảo Luật PPP.
Tại Hội thảo, đa số đại biểu có chung nhận định về việc cần đánh giá lại công tác quản lý, điều hành các dự án PPP để từ đó đề xuất những giải pháp căn cơ nhất. Hiện nay, các khâu quản lý, giám sát, thanh quyết toán dự án PPP đều thực hiện như một dự án đầu tư 100% vốn ngân sách nhà nước. Do đó, chưa có sự đột phá, thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế và mô hình PPP của các nước tiên tiến, chưa khuyến khích sự sáng tạo của nhà đầu tư. "Vì vậy, Luật cần quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng tránh sự kiểm soát, làm hạn chế sự sáng tạo, tận dụng ý tưởng của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư để làm tăng tính hấp dẫn của dự án”, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM khuyến nghị.
Là một tổ chức tài chính tham gia nhiều vào các dự án PPP tại TP.HCM, Tổng công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (HFIC) cho rằng, cần phải đẩy nhanh quá trình chuẩn bị dự án. Để đẩy nhanh quá trình này, các địa phương cần sớm hình thành nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư nhằm hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn chuẩn bị dự án. "Việc nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi đang bộc lộ một số hạn chế như Nhà nước khó kiểm soát tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian chuẩn bị dự án, tối đa hóa lợi nhuận và lợi ích của nhà đầu tư. Ngược lại, việc bố trí kinh phí thực hiện các bước này từ ngân sách nhà nước cũng còn nhiều vướng mắc”, HFIC khẳng định.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết, các ý kiến do cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM đóng góp đều sát với thực tế, giúp ích cho cơ quan soạn thảo Luật PPP. “Tạo ra một cơ chế đầu tư mà nhà đầu tư tư nhân được đối xử thật sự sòng phẳng, bình đẳng và phát huy tối đa sức sáng tạo nhằm chia sẻ trách nhiệm cung cấp dịch vụ công cho Nhà nước là hướng đi xuyên suốt của chúng tôi trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật PPP”, đại diện Cục Quản lý đấu thầu khẳng định.