Có nhiều yếu tố tích cực để lạc quan về thu hút vốn đầu tư nước ngoài thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên |
Top 20 quốc gia thu hút FDI
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao nhất của quý I trong 5 năm qua.
Theo Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số liệu này cho thấy, với sự trợ giúp liên tục, hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), các DN đã dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Cục ĐTNN nhận định, tình hình ĐTNN vào Việt Nam ngày càng tích cực hơn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà ĐTNN tăng so với cùng kỳ năm trước cả về số lượng và vốn đầu tư. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được mở rộng vốn với quy mô lớn trong 3 tháng đầu năm. Tuy số vốn đầu tư đăng ký mới quý I năm nay giảm nhưng số lượng dự án đầu tư mới tăng khá mạnh (tăng 37,6%). Điều này cho thấy, dù có những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, các nhà ĐTNN vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới, đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư hiện hữu.
Việt Nam được Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa vào Top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Việc mở cửa du lịch từ ngày 15/3 cùng với chính sách miễn thị thực cho một số quốc gia; xu hướng dịch chuyển vốn của các nhà đầu tư châu Âu do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ tác động tới thu hút ĐTNN vào Việt Nam trong thời gian tới.
Trao đổi với nhà đầu tư tại “Tọa đàm kết nối đầu tư” vừa được Cục ĐTNN tổ chức, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục ĐTNN, khẳng định, Việt Nam cam kết sẽ luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN FDI đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững, lâu dài tại Việt Nam.
Xu hướng tích cực
Ông Aguin Toru, Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội cho biết, theo kết quả khảo sát DN là thành viên Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, nhiều DN quan ngại về chi phí lao động ngày một tăng cao nhưng không có ý định di dời cơ sở sản xuất sang nước khác mà hướng đến nâng cao giá trị gia tăng của cơ sở tại Việt Nam. Nhiều DN Nhật Bản triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam với tầm nhìn dài hạn và niềm tin Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động, DN Nhật Bản kỳ vọng các đối tác ở Việt Nam không chạy theo lợi nhuận trước mắt mà có thể cùng hợp tác lâu dài, sáng tạo ra những giá trị mới để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN (VAFIE), đang có rất nhiều yếu tố tích cực để lạc quan về thu hút vốn ĐTNN năm 2022 và các năm sau. Hiện nhà ĐTNN đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Ngoài những lợi thế cũ, có nhiều yếu tố tích cực mới như Việt Nam có độ phủ vaccine cao; sức chịu đựng của DN và nền kinh tế Việt Nam được nâng lên; sự điều hành, chuyển hướng nhanh nhạy của Chính phủ thời gian qua được đánh giá rất cao và thể hiện bằng kết quả thực tế. Bên cạnh đó, Chính phủ rất quyết liệt trong chuyển đổi số và sự phản ứng, thích ứng, ủng hộ của xã hội tăng rất nhanh.
Đặc biệt, ông Toàn đánh giá rất cao những hành động gần đây giúp mở ra những bước chuyển trong thu hút và nâng cao hiệu quả ĐTNN thời gian tới. Đó là việc Bộ Tài chính đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, cho phép kê khai, nộp thuế điện tử. Nếu làm tốt, đây có thể là công cụ góp phần giải quyết vấn đề chuyển giá. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng bộ tiêu chí thu hút chọn lọc vốn ĐTNN thời gian tới, với 7 tiêu chí là: suất vốn đầu tư/ha đất; số lao động tại mỗi dự án đầu tư; hàm lượng công nghệ cao của dự án; cam kết chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư; khả năng liên kết với khu vực DN trong nước; bảo vệ môi trường; đảm bảo quốc phòng an ninh. Đây là bộ tiêu chí rất cần thiết để nâng cao chất lượng dự án ĐTNN, tăng liên kết, chuyển giao công nghệ, đóng góp nhiều hơn cho DN, cho nền kinh tế Việt Nam.
Song song với đó, Chính phủ cần thúc đẩy DN Việt Nam phát triển lớn mạnh hơn để có thể bắt tay bình đẳng với nhà ĐTNN, củng cố chặt chẽ mối liên kết, tạo nên hiệu quả cao hơn.