Thủ tướng chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8%
Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8%

Công điện nêu, để thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP) và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt...

Thủ tướng yêu cầu ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao.

Các đơn vị cần tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2025 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Trong đó, phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là TP. Hà Nội, TP.HCM, các thành phố lớn, các địa phương cực tăng trưởng của cả nước cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để phát huy vai trò đầu tàu mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra...

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước.

Bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là thu tiền sử dụng đất, kinh doanh thương mại điện tử, qua nền tảng số.

Quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định bắt buộc về hóa đơn điện tử đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, đồng thời phải thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất 10% so với năm 2024; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

Bộ Tài chính cần triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2025.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...

Về đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.

Về tiêu dùng, Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng trên từng địa bàn và phạm vi cả nước...

Về xuất khẩu, Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

Đồng thời, phải tận dụng hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và đàm phán các FTA mới; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới, nhất là thị trường Halal, Trung Đông, Mỹ La-tinh, châu Phi…

Các cơ quan cần hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa; chú trọng cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế.

Công điện của Thủ tướng cũng đưa ra nhiều chỉ đạo về thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trình Chính phủ trong quý 1/2025.

Tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật…; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025; quyết tâm hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025...

Khẩn trương triển khai chủ trương, kết luận của cấp có thẩm quyền về tái khởi động Dự án Nhà máy điện hạt nhân, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM và Đà Nẵng, thành lập khu thương mại tự do tại một số địa phương.

Thủ tướng cũng đề nghị huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp hiệu quả để huy động tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công - tư (PPP) để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược...