Thủ tướng Chính phủ: “Sẽ thành lập Tổ Công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu kết thúc Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) năm 2021 diễn ra hôm nay (8/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết sẽ thành lập Tổ Công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhằm vừa chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết thúc Hội nghị trực tuyến ngày 8/8/2021
Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết thúc Hội nghị trực tuyến ngày 8/8/2021

Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, đề xuất thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm cao của các đại biểu tham dự, nhất là các ý kiến của các DN, doanh nhân trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép”, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các đơn vị liên quan chắt lọc, tiếp thu tất cả những ý kiến xác đáng, tâm huyết… của các đại biểu để hoàn thành trình Chính phủ một Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển DN trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với nghị quyết trên, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết nhằm thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

“Hai nghị quyết này sẽ cố gắng đáp ứng những gì cao nhất có thể trong điều kiện kinh tế đất nước cũng như trong thẩm quyền của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất cho DN”, Thủ tướng cho biết.

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, về trước mắt cũng như lâu dài, nền kinh tế đều có khó khăn, thách thức cũng như cơ hội. Song nhìn chung, khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thuận lợi.

“Trên cơ sở đó, chúng ta xác định tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, đặc biệt phải biến những khó khăn, thách thức này thành cơ hội của nền kinh tế, từ đó phát triển đất nước”, Thủ tướng yêu cầu.

Để đạt được mục tiêu, Thủ tướng cho rằng, việc thực hiện các biện pháp chống dịch phải nghiêm túc, có sự thống nhất. Người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm để chống dịch thành công. Về phía DN, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, DN không được mất bản lĩnh, mất niềm tin mà càng khó khăn, càng thách thức thì càng phải quyết tâm vượt qua…

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chấp thuận đề xuất của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về việc sẽ sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Ngành dệt may đang đứng trước thách thức rất lớn liên quan đến việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 dẫn đến nguy cơ bị khách hàng quốc tế chuyển đơn hàng ra khỏi thị trường Việt Nam. Lý do là, chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương trên cả nước trong việc thực hiện Chỉ thị 16. Bên cạnh những địa phương tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh thì có không ít địa phương cứng nhắc trong thực hiện, gây khó khăn cho DN.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Hiện nay, TP.HCM và 18 tỉnh khu vực miền Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây là các địa phương chiếm 70% tổng lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của DN thủy sản Việt Nam. Khi sản xuất bị ngưng trệ, toàn bộ chuỗi sản xuất của ngành thủy sản, trong đó có ngư dân, nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ, chế biến sản phẩm.

Bên cạnh khó khăn này, hiện chi phí tiền điện cũng là một trong những áp lực lớn đối với DN thủy sản bởi chưa thuộc đối tượng khách hàng được hỗ trợ giảm tiền điện vừa qua, trong khi DN chế biến thủy sản có lượng tiêu thụ điện rất lớn nhằm bảo quản sản phẩm ở các kho lạnh.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN

Các DN Mỹ tại Việt Nam thấy rằng, thời gian DN Việt Nam phải đóng cửa dài hơn nhiều so với DN các nước khác. Chẳng hạn như DN Trung Quốc chỉ phải đóng cửa dừng sản xuất 7 - 10 ngày, trong thời gian này họ thực hiện các bước để DN hoạt động trở lại rất khoa học. Song một số địa phương của Việt Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh… quy định thời gian tạm dừng sản xuất dài gấp đôi Trung Quốc. Đặc biệt, tại một số địa phương dịch bệnh diễn biến phức tạp như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam thì lại không có quy định. DN Hoa Kỳ không biết tham khảo ở đâu.

Tin cùng chuyên mục