Thủ tướng chưa xem xét phê duyệt “siêu dự án” trên sông Hồng

Thủ tướng cho rằng, dự án giao thông xuyên Á trên sông Hồng chưa đủ căn cứ, cơ sở để phê duyệt chủ trương đầu tư...
Một góc sông Hồng.
Một góc sông Hồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chính thức có ý kiến về đề án xây tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện - thành viên của Tập đoàn ThaiGroup, làm chủ đầu tư trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 9/5, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO.

Lý do của việc chưa xem xét, theo Phó thủ tướng là vì dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Thay vào đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để bảo đảm phát triển bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.

Theo đề xuất của chủ đầu tư, mục tiêu của dự án là sẽ mở ra một tuyến vận tải thông suốt trên sông Hồng từ Lạch Giang (Nam Định) qua Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái tới Quý Xa (Lào Cai). 

Trên tuyến giao thông này sẽ xây dựng 7 cảng là Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội). Chủ đầu tư còn nêu rõ dự án này sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng đề xuất xây dựng 6 đập thủy điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thủy điện với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh/năm.

Còn theo chủ đầu tư, dự án nói trên được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). 

Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới khoảng 24.500 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD. Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỷ và dự phòng khoảng 6.549 tỷ đồng… Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại.

Trả lời báo giới mới đây, đại diện Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, hoàn toàn không có chuyện lập dự án thuỷ điện trên sông Hồng, mà chỉ là dự án giao thông kết hợp phát điện.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho ý kiến về dự án nói trên cũng đã khẳng định về nguyên tắc, EVN ủng hộ chủ trương nghiên cứu đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng của sông Hồng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc và đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, EVN cho rằng, do phạm vi nghiên cứu, tính chất phức tạp của các dự án giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng (đoạn Việt Trì - Lào Cai) kết hợp với thủy điện theo hình thức BOO, do vậy chủ đầu tư cần tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hồ sơ dự án theo đúng quy định hiện hành. 

Tin cùng chuyên mục