![]() |
Việc duy trì chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước phát triển. Dự thảo đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Thời gian áp dụng giảm thuế dự kiến từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Với chính sách này, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 là khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế giá trị gia tăng làm giảm thu NSNN, nhưng cũng có tác động kích thích, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Liên quan các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1567/NQ-UBTVQH15 về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2024. Trước đó, chính sách này đã được áp dụng liên tục từ năm 2020 với số tiền thuê đất, thuê mặt nước được giảm năm 2020 là 2.890 tỷ đồng; các năm 2021, 2022, 2023 trung bình là 3.734 tỷ đồng/năm.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn từ 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trong 5 năm qua, ngân sách dành để hỗ trợ doanh nghiệp là khoảng 900 nghìn tỷ đồng thông qua các chính sách về gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… Bên cạnh đó, về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quyết định cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục hành chính, riêng trong năm 2024 đã bãi bỏ 64 thủ tục hành chính, sửa đổi 54 thủ tục hành chính. Trong năm 2025, Bộ Tài chính phấn đấu cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Mới đây, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 108/QĐ-TCT năm 2025 về quy trình, trình tự, thủ tục để cơ quan thuế hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tự động cho người nộp thuế trực tiếp quyết toán thuế.
![]() |
Các chính sách hỗ trợ tài khóa giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong các năm qua. Ảnh: Nhã Chi |
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, các chính sách tài khóa như giảm thuế, phí, tiền thuê đất trong những năm vừa qua giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sau đại dịch và tăng sức chống chịu trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Việc duy trì chính sách giảm thuế giá trị gia tăng góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, nhất là trong ngành bán lẻ, dịch vụ. Việc giảm tiền thuê đất giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, logistics, bất động sản công nghiệp, qua đó khuyến khích duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh. Những chính sách này rất cần thiết với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng dễ tổn thương trước biến động kinh tế.
Ông Long cho rằng, bên cạnh các chính sách tài khóa trên, cần đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tín dụng, cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ rào cản đầu tư, kinh doanh để tăng hiệu quả tổng thể. Cùng với đó cần tăng cường minh bạch và giám sát việc thực thi chính sách hỗ trợ nhằm tránh tình trạng trục lợi chính sách.
Đồng thời, việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế có thể mang lại nhiều giá trị tích cực cho doanh nghiệp, giảm chi phí thời gian và nhân lực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi số và quản trị hiện đại.
Ở khía cạnh khác, ông Long cho rằng, các chính sách thuế, phí chỉ phát huy hiệu quả khi đi kèm với các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động và mở rộng đầu tư. “Cần đồng bộ với chính sách tín dụng ưu đãi để bảo đảm dòng tiền cho doanh nghiệp sản xuất. Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cũng cần triển khai đồng bộ, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Long nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Giảng viên chính sách công, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng, giảm tiền thuê đất và một số loại phí để hỗ trợ nguồn cung là rất cần thiết để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các chính sách này góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy an sinh xã hội, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
“Các chính sách hỗ trợ tài khóa đã cho thấy hiệu quả tích cực, không chỉ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, mà còn khiến thu NSNN cải thiện và vượt dự toán trong các năm qua. Để các chính sách giảm thuế, phí tiếp tục phát huy hiệu quả, cần rà soát và đánh giá tổng thể các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nói chung, các chính sách kích cầu tiêu dùng để kết nối nhịp nhàng giữa chính sách hỗ trợ cung và kích cầu thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các cơ hội phát triển kinh doanh, nguồn lực về vốn và đất đai”, ông Việt nhấn mạnh.