Số nợ mà VAMC mua về hiện vẫn chưa xử lý được bao nhiêu. Ảnh: LTT |
Theo ông, hoạt động tái cơ cấu hệ thống TCTD đã mang lại kết quả tích cực gì?
Nợ xấu từ mức trên 10% đã giảm xuống còn 2,25% vào thời điểm cuối năm 2015, dư nợ tín dụng cho nền kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 13,5%/năm, trong đó riêng năm 2015 tăng 18%. Nhưng điều đáng nói là NHNN đã rất tích cực, chủ động cơ cấu lại TCTD; giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém có nguy cơ đổ vỡ thông qua giải pháp tổ chức lại, sáp nhập, mua lại với giá 0 đồng…
Tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 năm vừa qua có chất lượng cao hơn do NHNN tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng. Tôi cũng đánh giá cao NHNN triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, trong đó có việc xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC). Nhờ đó, nợ xấu đã giảm mạnh, nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ mất tính thanh khoản do nợ xấu cao đã cho vay trở lại, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị nhà băng đóng cửa do nợ xấu đã tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng.
Tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ấn tượng trong 5 năm vừa qua cũng có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống TCTD.
Cơ cấu lại các TCTD mới thực hiện được giai đoạn đầu. Chất lượng tín dụng và dịch vụ ngân hàng cải thiện còn chậm. Cơ cấu tín dụng chưa thật phù hợp với yêu cầu phát triển. Năng lực tài chính, quản trị, kiểm tra, giám sát nội bộ của một số TCTD còn yếu, nợ xấu còn cao. Sở hữu và hoạt động của một số ngân hàng thương mại cổ phần thiếu minh bạch, có mặt chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc tăng vốn điều lệ của một số TCTD chưa đạt mục tiêu đề ra. Nợ xấu đã được xử lý một bước nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của một số ngân hàng.
Trọng tâm của tái cơ cấu TCTD đó là xử lý nợ xấu. Mức nợ xấu 2,55% hiện nay được nhiều chuyên gia đánh giá là lý tưởng. Còn ông đánh giá thế nào?
Tỷ lệ nợ xấu 2,55% trên tổng dư nợ là tỷ lệ lý tưởng với bất cứ nền kinh tế nào chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của chúng ta hiện nay là đã trừ đi số nợ xấu bán cho VAMC và một phần do TCTD tự xử lý thông qua phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo sát chuẩn mực quốc tế.
Điều đáng nói là số nợ mà VAMC mua về vẫn chưa xử lý được bao nhiêu, chỉ làm đẹp sổ sách kế toán của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nên tổng số nợ xấu vẫn còn rất lớn. Các TCTD xử lý nợ xấu bằng giải pháp phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro có điểm tích cực là nợ xấu được xử lý triệt để, nhưng do ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro nhiều, thu nhập giảm khiến ngân sách nhà nước (NSNN) giảm thu.
Từng có nhiều ý kiến cho rằng, để xử lý triệt để nợ xấu, NSNN cần bỏ ra một khoản tiền thay vì xử lý “nhỏ giọt”?
Đây là giải pháp mạnh tay đã được nhiều nền kinh tế thực hiện rất có hiệu quả. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể thực hiện khi mà tổng số nợ xấu rất nhỏ so với tổng thu ngân sách nhà nước. Còn ở nước ta, khối lượng nợ xấu quy ra USD thì không nhiều, nhưng so với số thu NSNN hàng năm thì lại rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh cơ cấu thu chi còn phải “giật gấu vá vai”, NSNN không thể bỏ ra một khoản tiền để xử lý khoản nợ này mặc dù ai cũng biết, nếu xử lý triệt để nợ xấu, ngân hàng làm ăn có lãi, doanh nghiệp tiếp cận được vốn, hoạt động có hiệu quả lại đóng góp vào NSNN.
Vậy theo ông, xử lý nợ xấu bằng cách nào hữu hiệu hơn?
VAMC mua nợ xấu về không phải để đấy, mà phải xử lý, vì nợ xấu cũng là một loại hàng hóa, mà đã là hàng hóa thì phải được mua - bán, giao dịch trên thị trường. Vì vậy, theo tôi, để xử lý khối nợ xấu mà VAMC đã mua về, cần phải có nhiều giải pháp đột phá như đẩy mạnh bán nợ, chứng khoán hoá nợ xấu, biến nợ thành vốn góp…
Vì sao VAMC rất muốn bán nợ xấu nhưng bán không được bao nhiêu? Vì sao nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm đến việc mua lại nợ xấu nhưng lại không mặn mà? Nguyên nhân cốt lõi nằm ở chỗ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản thế chấp cho khối nợ xấu thiếu minh bạch, không rõ ràng, thậm chí còn có tranh chấp thì không nhà đầu tư nào dám bỏ tiền ra mua nợ xấu. Tôi cho rằng, nếu minh bạch giấy tờ pháp lý liên quan đến tài sản thế chấp thì sẽ giải quyết được nợ xấu, vì thực ra nợ, dù là nợ xấu cũng là hàng hoá.