Việc giải ngân đầu tư công phụ thuộc vào nhiều quy định như giải phóng mặt bằng, phê duyệt thiết kế thi công, hồ sơ, thủ tục giải ngân... Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, với những vướng mắc “muôn màu”, thậm chí đã thâm căn cố đế, thì sự chuyển động của một luật có lẽ không thể một sớm một chiều gỡ hết vướng.
Vì sao chậm giải ngân vốn đã bố trí?
“Vòng quay của dự án đầu tư công hàng năm đã rõ rồi, tại sao đến tháng 6 của năm nay Hà Nội mới giải ngân được 15% kế hoạch vốn đã giao. Đó là điều rất đáng lưu ý, bởi chỉ cần lựa chọn nhà thầu, chưa làm được gì nhiều, chỉ tạm ứng thôi đã hơn tỷ lệ này rồi”, một đại diện của Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng diễn ra mới đây. Theo đại diện này, dù nhiều dự án đã được giao vốn, nhưng đến nay chưa phê duyệt được thiết kế. Thời gian thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán mất khá nhiều thời gian, phải sửa nhiều, cần thiết có tháo gỡ về lập, thẩm định, phê duyệt bước thiết kế sau thiết kế cơ sở.
Bên cạnh lý do này, tại một hội thảo khác, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội chia sẻ, Thành phố còn gặp nhiều vướng mắc khác như giải phóng mặt bằng chậm; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp với chủ đầu tư chưa được tốt trong quá trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính khi triển khai thực hiện dự án đầu tư theo kế hoạch Thành phố giao…
Không riêng Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước trong nửa đầu năm cũng mới đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp dù đã giao kế hoạch vốn. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết, những vướng mắc chính của Tỉnh là giải phóng mặt bằng; giá trị khối lượng hoàn thành nghiệm thu thanh toán còn ít; khối lượng thực hiện thấp; việc chuyển đổi, bàn giao hồ sơ giữa các nhà thầu tư vấn đối với các dự án thiết kế 2 bước còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn dự án.
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ chia sẻ, tỷ lệ giải ngân chưa cao trong nửa đầu năm là do vướng trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư; các chủ đầu tư hiện đang làm thủ tục đấu thầu…
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT cho biết thêm, ngoài những nguyên nhân cố hữu, thì chậm giải ngân trong các tháng đầu năm còn do tâm lý của nhiều chủ đầu tư, nhà thầu, muốn đợi khối lượng lớn một chút mới thực hiện giải ngân. Giai đoạn đầu năm thường tập trung công tác triển khai xây lắp, cuối năm có khối lượng nhiều thì làm một lần để tiết kiệm thời gian làm hồ sơ thủ tục giải ngân với Kho bạc. Ngoài ra, quy định của Luật Đầu tư công 2014 cũng cho phép kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau nên nhiều đơn vị có tâm lý để dành sang năm sau làm thủ tục giải ngân một lần. Trong việc điều chỉnh kế hoạch vốn, nhiều chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án rất sợ mất vốn, dự án bị vướng mắc nào đó nhưng vốn đã giao thì muốn giữ không muốn chuyển, lo ngại về sau không có tiền để làm tiếp.
Nỗ lực giải ngân hết, nhưng cần nhiều sự chuyển động
Tháng 6 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ KH&ĐT đã chủ trì thành lập 3 đoàn công tác liên ngành do các Lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn làm việc tại 12 địa phương ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Qua làm việc tại địa phương, thực địa nhiều dự án, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp một số vướng mắc, khó khăn chính của các địa phương trong giải ngân kế hoạch đầu tư công 2019; đôn đốc các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, kiểm tra tiến độ triển khai một số dự án quy mô lớn tại các địa phương để hỗ trợ giải quyết các khó khăn.
Ông Trần Quốc Phương cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ KH&ĐT sẽ thường xuyên đôn đốc các địa phương chưa phân bổ vốn, tập trung tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc cho phép ủy quyền cho UBND các tỉnh, thành phố điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 đối với vốn bổ sung có mục tiêu được giao.
Về pháp lý liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư công, Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ tháo gỡ 3 nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu, gồm nhóm vấn đề liên quan đến đối tượng dự án; nhóm vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục và nhóm vấn đề còn chưa thống nhất giữa các luật liên quan đến đầu tư công, đồng thời chú trọng đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đầu tư công…
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Phương, thực tế cho thấy việc giải ngân dự án phụ thuộc nhiều quy định pháp luật liên quan. Ví dụ giải phóng mặt bằng là vấn đề nan giải, có từ lâu rồi, muốn giải quyết thì ngoài thủ tục về đầu tư công ra, các quy định trong luật đất đai cũng cần có sự điều chỉnh nhất định để giải phóng mặt bằng nhanh hơn. Hay quy định của pháp luật về xây dựng liên quan đến thời gian trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế thi công, dự toán cũng cần sửa đổi. Các quy định về hồ sơ thủ tục giải ngân thì liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước… Vì thế, theo ông Phương, khó dùng một luật để giải quyết hết được các vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công. Các luật liên quan nếu gây vướng mắc cũng cần phải sửa đổi để tạo thuận lợi hơn, đẩy mạnh phân cấp vì phân cấp càng sâu thủ tục càng nhanh.