Xử lý nợ xấu: câu chuyện thường xuyên và liên tục…
Ngày 13/4/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản số 2588/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu. Theo văn bản này, để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ), NHNN yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu.
Theo đó, NHNN đưa ra yêu cầu thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/02/2016, đồng thời tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đôn đốc thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ khởi kiện khách hàng và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án có hiệu lực và các hình thức khác; kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu, nợ quá hạn. Cũng theo chỉ đạo của NHNN, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016 (theo mẫu biểu), gửi NHNN trước ngày 28/4/2016.
Tuy các ngân hàng bị yêu cầu trích lập dự phòng dần dần cho khoản tài sản chuyển sang VAMC, nhưng khoản tín dụng và các khoản rủi ro liên quan có thể gây tổn hại đến nguồn vốn chủ sở hữu của các ngân hàng.
Sự quan ngại về nợ xấu vẫn còn đó. Năm 2015, nhiều ngân hàng đã phải trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ đồng như tại VPBank, tổng chi phí dự phòng trích lập của Ngân hàng này tăng cao, nhằm xử lý nợ xấu và dự phòng nợ xấu cho năm 2015 là 3.278 tỷ đồng, tăng 2.298 tỷ đồng so với năm trước. Còn tại OCB, dù đã xử lý và thu được 1.300 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2015, bán cho VAMC là 600 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận OCB năm 2015 chỉ đạt được 70% chỉ tiêu đặt ra, một trong những lý do là OCB phải trích dự phòng rủi ro cao.
Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu quay trở lại cũng là điều hiện hữu khi năm 2016, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 18-20%. Đặc biệt, một trong những nội dung đáng chú ý tại báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam quý II/2016 do Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) vừa công bố cho biết, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng được các TCTD kỳ vọng tăng trưởng 20,09% trong năm 2016, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng thực tế 5 năm gần đây.
Thị trường cũng vừa có thêm thông tin từ ĐHCĐ thường niên 2016 của Vietcombank diễn ra cuối tuần trước. Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành đã chia sẻ về kết quả kinh doanh trong quý 1/2016, theo đó, nợ xấu 1,76% giảm so 1,84% thời điểm cuối năm 2015 nhưng con số tuyệt đối tăng nhẹ, với lý do dư nợ tăng 6,5%.
Xử lý nợ xấu: nỗ lực và thực lực…
Trong cuộc trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, năm 2016, VAMC sẽ phối kết hợp với các TCTD xử lý xong khoản nợ xấu đã mua, mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt các khoản nợ đủ điều kiện và được phép mua. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát hành khoảng 40.000 tỷ trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu, giảm một nửa so với năm trước.
Cũng trong năm nay, VAMC sẽ đốc thúc triển khai mua nợ theo giá thị trường dựa vào nhu cầu bán nợ của các TCTD với tổng dư nợ là 11.280 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sử dụng số vốn 2.000 tỷ đồng để mua dự kiến mua khoảng 5.000 tỷ dư nợ xấu và sẽ cố gắng năm 2016 triển khai thí điểm đạt kết quả cao.
“Kế hoạch đặt ra trong năm 2016 trong việc thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo là 30.000 -35.000 tỷ đồng, một chỉ tiêu bằng gần gấp đôi so với năm 2015 (khoảng 17.000 tỷ đồng). Đặc biệt, định hướng chuyển nợ thành vốn góp, cơ cấu lại nợ để bán nợ thời gian trước mặc dù đã có chủ trương nhưng chưa thể triển khai được vì chưa có đủ thời gian, cán bộ có năng lực. Năm 2016, VAMC sẽ đầu tư xứng đáng cho hoạt động này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Kế hoạch đặt ra là vậy, nhưng ông Hùng chia sẻ không ít trăn trở liên quan đến hành lang pháp lý mà VAMC cần có để xử lý nợ. Ngay người trong ngành tư pháp, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, Nhà nước cần phải nhất quán, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp, định hướng thúc đẩy xử lý nợ xấu.
Cụ thể, cần xây dựng Luật Đăng ký tài sản để thiết lập hệ thống thông tin, thủ tục pháp lý minh bạch, công khai về tình trạng pháp lý của tài sản, về đăng ký tài sản, về đăng ký giao dịch để xác lập, chuyển giao quyền, phát sinh hiệu đối kháng với người thứ ba, bảo vệ người thứ ba ngay tình và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong đăng ký tài sản.
Cũng theo ông Hải, pháp luật liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đến xử lý nợ xấu cần phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành quy định mới kịp thời, để bảo đảm thống nhất trong quy định về tài sản bảo đảm; làm rõ hơn việc chuyển giao thực tế tài sản bảo đảm và chuyển giao pháp lý tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng là người thứ ba ngay tình; thiết lập hành lang pháp lý để quyền truy đòi tài sản được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và hợp pháp, tránh nguy cơ phát sinh nợ xấu tiếp diễn, quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản được tôn trọng, bảo vệ…
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bán các khoản nợ xấu theo cơ chế thị trường; cụ thể hóa quy định của Bộ luật Dân sự về chuyển giao quyền yêu cầu, chuyển giao nghĩa vụ vào trong các quan hệ xử lý nợ xấu. Việc giải quyết nợ xấu thông qua thiết chế VAMC, theo ông Hải, là tốt, nhưng cũng cần xây dựng cơ chế thị trường trong xử lý nợ xấu để tạo ra nhiều kênh mua bán nợ linh hoạt.
“Đặc biệt, cần nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý nợ xấu đối với những khoản nợ có bảo đảm bằng biện pháp đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, hoặc tổ chức tín dụng đang trực tiếp nắm giữ, chiếm giữ tài sản bảo đảm, quan hệ vay nợ rõ ràng, bên vay hoặc bên bảo đảm đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ”, ông Hải nhấn mạnh.