Dự báo năm 2025, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục sôi động và tăng trưởng ở mức 2 con số. Ảnh: Hải Yên |
Tiến đến quy mô 40 tỷ USD năm 2025
Chiều 12/12 tại Hà Nội, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) tổ chức ra mắt sàn TMĐT nongsan.buudien.vn. Đây là nền tảng TMĐT chuyên biệt về nông sản chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam do Vietnam Post làm chủ về công nghệ và vận hành. Theo thông tin được công bố, sàn sẽ từng bước chinh phục các thị trường quốc tế như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác.
Sự kiện ra mắt sàn TMĐT này cùng hàng loạt sàn TMĐT đang hoạt động như: Ladaza, Shopee… góp phần thúc đẩy TMĐT của Việt Nam ngày càng phát triển sôi động.
Bên cạnh đó, Temu - sàn TMĐT xuyên biên giới giá rẻ của Trung Quốc hiện treo thông báo đang làm việc với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam. Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III/2024 được Metric công bố gần đây cho thấy, nhiều sàn TMĐT xuyên biên giới khác như: 1688, Taobao… cũng đang xúc tiến cung cấp dịch vụ TMĐT ở Việt Nam.
Nhìn nhận về xu hướng này, ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Metric cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển TMĐT. Những năm gần đây, sàn bán lẻ trực tuyến của Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chỉ tính riêng trong quý III/2024, quy mô 5 sàn TMĐT (Shopee, Ladaza, Tiki, Sendo, TikTok shop) tăng trưởng gần 16% về doanh số và tăng gần 29% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo trong dịp Tết 2025, doanh số và sản lượng toàn thị trường TMĐT tăng lần lượt 45% và 47% so với dịp Tết 2024. “Với đà tăng trưởng này, dự báo năm 2025, hoạt động TMĐT tại Việt Nam tiếp tục sôi động và tăng trưởng ở mức 2 con số. Điều này chứng tỏ thị trường TMĐT Việt Nam đang hấp dẫn”, ông Tuấn nhận định.
Thông tin vừa được Hiệp hội TMĐT Việt Nam cập nhật cho biết, TMĐT nước ta ước đạt quy mô trên 30 tỷ USD trong năm nay, năm 2025 sẽ đạt gần 40 tỷ USD và tiến tới quy mô khoảng 100 tỷ USD vào năm 2030.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý
TMĐT phát triển sôi động đặt ra nhiều thách thức cho giao dịch trên không gian mạng, công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan…
Báo cáo về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường 11 tháng năm 2024, Bộ Công Thương cho biết, lực lượng quản lý thị trường tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực TMĐT và phát hiện nhiều vi phạm. Cụ thể, đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước. Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh, rất khó phát hiện.
“Thời gian qua, số vụ vi phạm và bị xử lý trên môi trường TMĐT không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 119/CĐ-TTg yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý TMĐT. Chủ động xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu…
Thời gian qua, website của Cục TMĐT và Kinh tế số liên tục phát đi các cảnh báo yêu cầu các công ty có website/ứng dụng TMĐT kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm vi phạm (nếu có), cũng như hướng dẫn các nền tảng TMĐT về việc ứng dụng tài khoản định danh điện tử để xác thực người bán… Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng trong hoạt động TMĐT…