Thương mại Việt - Hàn sẽ đạt 70 tỷ USD trước năm 2020?

BĐT- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được dự báo sẽ tạo điều kiện để thương mại Việt - Hàn đạt mốc 70 tỷ USD vào năm 2020, thậm chí sớm hơn.
Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: Tiên Giang
Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: Tiên Giang

Được đánh giá là có “độ mở” hơn rất nhiều so với Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, khi thực hiện sẽ tạo điều kiện để thương mại Việt - Hàn đạt mốc 70 tỷ USD vào năm 2020, thậm chí sớm hơn.

Từ AKFTA đến VKFTA

Cùng với 9 nước ASEAN khác, Việt Nam và Hàn Quốc đang thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) từ năm 2005 và bắt đầu thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu từ năm 2007.

Thực hiện AKFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 86% tổng số dòng thuế vào năm 2018, 14% tổng số dòng thuế còn lại sẽ giảm thuế về 5% vào thời điểm cuối lộ trình (năm 2021), và cắt giảm một phần thuế suất vào năm 2021.

Nhà đầu tư Hàn Quốc đã thấy rõ được những lợi ích, nên dòng vốn đầu tư vào Việt Nam chắc chắc sẽ tăng lên, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến...Ông Hà Duy Tùng,
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính

Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2015, Việt Nam xóa bỏ thuế quan đối với 7.366 dòng thuế (chiếm 77,6% tổng số dòng thuế) tập trung vào một số sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm nông nghiệp, máy móc thiết bị phụ tùng, dệt may, thủy sản, giấy, hóa chất, sản phẩm từ sắt thép và kim loại cơ bản… nhập khẩu từ Hàn Quốc. Đến năm 2018, tổng số dòng thuế Việt Nam phải xóa bỏ thuế quan để thực hiện AKFTA là 8.184 (chiếm khoảng 86% tổng số dòng thuế nhập khẩu từ Hàn Quốc).

Lộ trình cắt giảm cuối cùng của AKFTA là năm 2021. Ngoài các dòng thuế đã được xóa bỏ thuế quan vào năm 2018, dự kiến khoảng 620 dòng thuế sẽ được giảm thuế về 5%, tập trung vào một số nhóm như điện tử, cơ khí, sắt thép và kim loại cơ bản, sản phẩm hóa dầu, phụ tùng máy móc, một số mặt hàng ô tô đặc chủng và chuyên dụng…

Về cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của Hàn Quốc dành cho Việt Nam, ông Vũ Như Thăng cho biết, Hàn Quốc đã hoàn tất việc xóa bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết trong AKFTA từ năm 2010. Theo đó, đã có 90,9% hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang xứ Kim Chi được hưởng thuế suất 0% nếu có chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Sau 10 năm thực hiện AKFTA, hoạt động thương mại, đầu tư song phương Việt - Hàn đã có sự phát triển mạnh mẽ. Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và trở thành 1 trong 5 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2014. Hàn Quốc cũng tiếp tục giữ vị trí thứ 5 trong số các thị trường quan trọng nhất của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, với 25,6 tỷ USD đã nhập khẩu từ Hàn Quốc, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2014, Hàn Quốc vươn lên vị trí thứ 2 (chỉ sau Trung Quốc, với 45,1 tỷ USD, và đứng trên nhập khẩu từ ASEAN với 21,8 tỷ USD) trong số các thị trường nhập khẩu quan trọng nhất của Việt Nam.

Tăng cường cơ hội hợp tác, giao thương

Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính cho biết, “độ mở” của VKFTA lớn hơn AKFTA rất nhiều, sẽ tạo điều kiện cho 2 nền kinh tế hợp tác chặt chẽ với nhau hơn. Cụ thể, thực hiện VKFTA, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu, mở cửa thêm 502 mặt hàng, nâng tổng số dòng thuế tự do hóa lên 11.600 dòng thuế (chiếm 95,4% tổng Biểu thuế xuất, nhập khẩu hiện hành).

Theo dự kiến, một số mặt hàng dệt may, quần áo nguyên chiếc sẽ được xóa bỏ toàn bộ thuế quan ngay trong năm đầu tiên (năm 2016) thực hiện VKFTA. Các sản phẩm dệt may, giày dép xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng được xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu từ mức thuế suất 10 - 13% hiện nay xuống còn 0% vào năm 2016.

“Riêng với mặt hàng tôm, Hàn Quốc cam kết cấp cho Việt Nam lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm với thuế suất 0%, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN. Đây cũng là một bước thành công của Việt Nam trong đàm phán. Tất cả những ưu đãi đó sẽ tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan”, ông Hà Duy Tùng phát biểu.

Thực hiện VKFTA, Việt Nam dỡ bỏ thuế nhập khẩu thêm 265 mặt hàng từ Hàn Quốc, trong đó có nhóm hàng như nguyên phụ liệu dệt, may; nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện, dòng xe tải từ 10 - 20 tấn và xe con từ 3.000cc trở lên...

“Chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với Chile, Nga, Belarus, Kazakhstan, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ..., và chuẩn bị tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp Hàn Quốc được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường mà chúng ta đã ký các hiệp định. Tôi cho rằng, nhà đầu tư Hàn Quốc đã thấy rõ được những lợi ích này nên dòng vốn đầu tư vào Việt Nam chắc chắc sẽ tăng lên, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến...”, ông Hà Duy Tùng kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục