Thủy sản Hùng Vương: Sau kiểm toán, lỗ thêm 580 tỷ

(BĐT) - Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, kiểm toán Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh việc Công ty CP Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) đã phát sinh khoản lỗ sau thuế 712,96 tỷ đồng cho năm tài chính kết thúc ngày 30/9/2017.
Để giải quyết bài toán tài chính, Công ty CP Hùng Vương đã tiến hành thoái vốn tại các công ty con. Ảnh: Tiên Giang
Để giải quyết bài toán tài chính, Công ty CP Hùng Vương đã tiến hành thoái vốn tại các công ty con. Ảnh: Tiên Giang

Sau kiểm toán “vua cá tra” lỗ thêm 580 tỷ đồng

Doanh thu thuần hợp nhất sụt giảm, chi phí hoạt động gia tăng mạnh, đặc biệt là chi phí quản trị doanh nghiệp, là những điểm dễ nhận thấy nhất trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 được kiểm toán bởi Ernst & Young vừa được Công ty CP Hùng Vương công bố. Qua đó, Công ty đã ghi nhận khoản lỗ sau thuế của công ty mẹ lên tới 712,96 tỷ đồng; lỗ thêm 580 tỷ đồng so với mức 131,97 tỷ đồng công bố tại Báo cáo tài chính tự lập vào quý IV/2017.

Nguyên nhân chính chưa được doanh nghiệp đưa ra, song theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Công ty CP Hùng Vương buộc phải thực hiện trích lập thêm 566,42 tỷ đồng nợ phải thu đã quá hạn thanh toán vào quý IV/2017. Điều này khiến cho chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên 756,1 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, buộc Công ty ghi nhận mức lỗ ròng sau thuế cho cổ đông công ty mẹ lên tới 712,96 tỷ đồng. Mức lỗ lũy kế của Công ty tại thời điểm kết thúc năm tài chính 30/9/2017 là 423,78 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ernst & Young cũng đưa ra các điều kiện cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty CP Hùng Vương. Cụ thể, tổng nợ ngắn hạn của Công ty cuối kỳ kế toán năm 2017 là 10.678 tỷ đồng, vượt tổng tài sản ngắn hạn 9.868 tỷ đồng là 810 tỷ đồng.

Nếu quan sát kỹ hơn, có thể thấy các khoản phải thu ngắn hạn (5.625 tỷ đồng), chiếm 57% tài sản ngắn hạn và trong đó nợ quá hạn (2.297 tỷ đồng) chiếm đến 40,8% các khoản phải thu. Về cơ bản, Công ty CP Hùng Vương còn tới 1.322 tỷ đồng quá hạn thu hồi, nhưng Công ty vẫn xác định có thể thu hồi được. Trong trường hợp loại bỏ khoản nợ khó đòi quá hạn này thì thực chất tổng nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt tổng tài sản ngắn hạn là 2.132 tỷ đồng và đặt doanh nghiệp vào tình thế cảnh báo rủi ro mất khả năng thanh toán ở mức độ cao.

Đối mặt rủi ro thanh khoản, buộc phải bán tài sản

Thị giá cổ phiếu HVG sau khi đi ngang gần 8 tháng quanh vùng  6.000 - 7.000 đồng/cổ phần đã tăng giá mạnh sau khi HVG chốt chuyển nhượng FMC vào tháng 11/2017 với thanh khoản cải thiện. Hiện tại, HVG đang giao dịch quanh vùng giá 9.000 đồng/cổ phần. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/1, cổ phiếu HVG giảm hết biên độ xuống còn 8.220 đồng/cổ phần.
Để giải quyết bài toán tài chính, Công ty CP Hùng Vương đã tiến hành thoái vốn tại các công ty con. Đầu tiên là việc chuyển nhượng 21,16 triệu cổ phần FMC, tương đương 54,28 % vốn cho hai tổ chức lớn là Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI - SSIAM (mua 7.787.000 cổ phần, tương đương 19,97%) và Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre - ABT (7,8 triệu cổ phiếu, tương đương 20,1%) và một số cá nhân khác. Thương vụ này giúp Công ty CP Hùng Vương thu về khoảng 487 tỷ đồng (mức giá bình quân chuyển nhượng là 23.000 đồng/cổ phần).

Chưa dừng lại ở đó, ngày 10/01/2018, HĐQT của Công ty CP Hùng Vương đã quyết định chuyển nhượng trên 50% vốn tại Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) và giao dịch dự kiến được hoàn tất trước ngày 10/02/2018. Giá và khối lượng cụ thể vẫn chưa được doanh nghiệp công bố. Tuy nhiên, tham chiếu mức giá thị trường thời điểm hiện tại thì khoản chuyển nhượng vốn tại Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng sẽ đem về cho Công ty CP Hùng Vương trên dưới 700 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp tình hình tài chính của Công ty được cải thiện mạnh mẽ. Phải chăng đây chính là động lực giúp cho thị giá cổ phiếu của Công ty tăng trưởng trở lại trong 2 tháng trở lại đây?

Tin cùng chuyên mục