Ngân hàng Nhà nước dự tính bắt đầu siết chặt tín dụng ngoại tệ từ cuối năm 2012. Tuy nhiên, trước thực tế khó khăn của doanh nghiệp và đây là dòng vốn có lãi suất thấp, nhà điều hành lần lượt nới thêm trong các năm 2013, 2014 và 2015. |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước kiến nghị sửa Thông tư 24 cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ.
Công văn cho biết, trong mấy tuần qua, Hiệp hội nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp thành viên về sự bất cập tại điểm c khoản 1 điều 3 của Thông tư 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 về quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu chỉ được vay đến hết ngày 31/3/2016.
Theo VASEP, bên cạnh các mục đích về ổn định kinh tế vĩ mô và chống đô la hóa, thì quy định “được vay đến 31/3/2016” cũng có tác động làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
“Hiệp hội và các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi bỏ quy định “hạn vay đến 31/3/2016” nói trên để các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói riêng được có cơ hội vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để thực hiện sản xuất, xuất khẩu”, VASEP kiến nghị.
Đại diện các nhà xuất khẩu thủy sản cho rằng, kiến nghị trên có cơ sở từ chủ trương khuyến khích xuất khẩu của Nhà nước, trong khi các doanh nghiệp bị suy giảm sức cạnh tranh, khó khăn về bố trí vốn vay trong năm 2016.
Đáng chú ý, VASEP khẳng định: “Việc cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp có sản xuất hàng xuất khẩu không ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá ngoại tệ”.
Đây là lần thứ hai trong bốn năm qua, VASEP có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về nội dung này.
Trước đó, giữa tháng 12/2012, hiệp hội này đã kiến nghị tiếp tục nới thời hạn cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thay vì dừng từ 31/12/2012.
Diễn biến kiến nghị trên cũng phản ánh quá trình từng bước siết lại tín dụng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong những năm gần đây.
Nhà điều hành dự tính bắt đầu siết chặt tín dụng ngoại tệ từ cuối năm 2012. Tuy nhiên, trước thực tế khó khăn của doanh nghiệp và đây là dòng vốn có lãi suất thấp, Ngân hàng Nhà nước lần lượt nới thêm trong các năm 2013, 2014 và 2015.
Đó cũng là giai đoạn tỷ giá USD/VND được giữ ổn định, tín dụng ngoại tệ càng phát huy giá trị đối với doanh nghiệp, khi lãi vay thường chỉ bằng phân nửa so với lãi vay VND.
Đến tháng 4/2016, như trên, một nhóm nhu cầu tín dụng ngoại tệ bắt đầu bị cắt bỏ theo Thông tư 24.
Hiện chưa rõ thông tin hồi đáp VASEP từ Ngân hàng Nhà nước. Song, một lãnh đạo chuyên trách của cơ quan này cho VnEconomy biết, việc mở lại tín dụng ngoại tệ theo kiến nghị trên là rất khó.
“Không chỉ riêng với doanh nghiệp xuất khẩu, mà với các doanh nghiệp nói chung, Ngân hàng Nhà nước mong muốn tạo được những dòng vốn ưu đãi, hỗ trợ và kích thích sản xuất kinh doanh. Cũng như đối với tăng trưởng kinh tế, tín dụng về mong muốn là có sự thúc đẩy mạnh hơn nữa để đạt tăng trưởng cao. Nhưng phải đặt trong các điều kiện và thực tế yêu cầu chung, lợi ích chung”, lãnh đạo chuyên trách trên nói.
Với kiến nghị trên, liên quan là chính sách lãi suất huy động USD đã áp 0%/năm trong hơn nửa năm qua. Chính sách này cũng nằm trong tổng thể các chính sách đồng bộ khác theo chủ trương chống đô la hóa, trong đó có hạn chế tín dụng ngoại tệ.
Chống đô la hóa tốt hơn, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ chủ động hơn, sẽ hạn chế tốt hơn những cú sốc tỷ giá và lãi suất. Nếu để xẩy ra những cú sốc này, ảnh hưởng tiêu cực sẽ rộng lớn hơn đối với nhiều thành phần kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu; tác động bất lợi tới chi phí nợ công, tới môi trường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cần ổn định và hạn chế các rủi ro tỷ giá); rộng hơn là đối với ổn định vĩ mô…
Trong một tài liệu Ngân hàng Nhà nước công bố nhiều năm trước, hiện tượng đô la hóa được nhìn nhận ở hệ quả làm mất chủ quyền về tiền tệ, làm cho thị trường ngoại hối kém phát triển do các quan hệ vay - trả bằng ngoại tệ lấn át các quan hệ mua bán ngoại tệ.
“Về mặt điều hành tiền tệ, hiện tượng đô la hóa gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá. Mức cung tiền trở nên khó dự báo hơn và mức cầu nội tệ trong nước không ổn định ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách tiền tệ”, theo phân tích từ tài liệu trên.