Tiết kiệm qua đấu thầu: Nơi trên 10%, nơi dưới 1%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2019, hoạt động đấu thầu trên cả nước có cải thiện so với năm 2018, giúp tiết kiệm hơn 40 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đấu thầu hiệu quả.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tuy nhiên, vẫn còn những đơn vị có mức tiết kiệm qua đấu thầu thấp.

Cải thiện về nhiều mặt

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2019. Theo đó, năm 2019, cả nước có tổng số 283.400 gói thầu được thực hiện, tăng 1,13% so với năm 2018, với tổng giá gói thầu là 734.698,467 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 693.731,019 tỷ đồng. Chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu là 40.967,448 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 5,58%.

Bộ KH&ĐT cho biết, tỷ lệ tiết kiệm của năm 2019 cao hơn năm 2018 (5,26%). Hầu hết các hình thức lựa chọn nhà thầu đều có tỷ lệ tiết kiệm tăng so với năm 2018. Cụ thể, hình thức đấu thầu rộng rãi có tỷ lệ tiết kiệm đạt 5,78% (năm 2018 là 5,68%); chào hàng cạnh tranh có tỷ lệ tiết kiệm đạt 4,22% (năm 2018 là 3,42%), hình thức chỉ định thầu có tỷ lệ tiết kiệm tăng gấp 1,5 lần năm 2018, đạt 4,1% (năm 2018 là 2,81%)… Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm của năm 2019 vẫn còn thấp so với năm 2016, 2017.

Về thể chế, chính sách, theo Bộ KH&ĐT, năm 2019, hệ thống pháp luật về đấu thầu tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và thuận tiện trong quá trình thực hiện gói thầu, dự án, khắc phục những khó khăn trong quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng các cuộc thầu, giúp quá trình đấu thầu công bằng, minh bạch hơn, đồng thời chuyên môn hóa quy trình hồ sơ, tạo thuận lợi cho tất cả các bên khi tham gia đấu thầu. Đặc biệt, hồ sơ mời thầu (HSMT) bắt buộc đăng tải công khai đối với tất cả các gói thầu, giúp hạn chế tình trạng tiêu cực như hạn chế nhà thầu mua HSMT, quây thầu.

Trong năm 2019, các chỉ thị của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về công tác đấu thầu đã được triển khai, tổ chức phổ biến, quán triệt đến các chủ đầu tư, bên mời thầu. Qua đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, tiêu cực trong đấu thầu, giảm thiểu tình trạng quây thầu, quân xanh - quân đỏ. Đặc biệt, công tác đấu thầu đã hỗ trợ, đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu dùng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Tình trạng kiến nghị kéo dài trong quá trình lựa chọn nhà thầu từng bước được giảm thiểu…

Còn nhiều đơn vị tiết kiệm qua đấu thầu dưới 1%

Theo Bộ KH&ĐT, sự chênh lệch tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu thể hiện rõ giữa các khu vực và các đơn vị trên cả nước. Xét theo khu vực địa lý, tỷ lệ tiết kiệm của các tỉnh miền Nam cao nhất, đạt 6,2%, các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung đạt lần lượt 3,73% và 4,89% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tiết kiệm trung bình của cả nước.

Về phía các bộ, ngành trung ương, địa phương, có 15/118 đơn vị có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu trung bình đạt trên 10%, như: Đồng Nai (14,12%), Nghệ An (11,47%), Trà Vinh (11,2%), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (14,69%), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (13,61%)…

Tuy nhiên, còn 17/118 đơn vị chỉ đạt dưới 1%, như: Tổng công ty Cà phê Việt Nam (0,12%), Bộ Tư pháp (0,25%), Bộ Khoa học và Công nghệ (0,29%), Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (0,3%), tỉnh Bình Phước (0,46%), tỉnh Yên Bái (0,6%), tỉnh Thái Bình (0,62%)…

Về công khai thông tin, vẫn còn một số chủ đầu tư, bên mời thầu không nhập hoặc nhập số điện thoại không chính xác của cơ quan và của cán bộ phụ trách phát hành HSMT/hồ sơ yêu cầu (HSYC), gây khó khăn cho nhà thầu trong việc tiếp cận HSMT/HSYC. Một số bên mời thầu cố tình đăng tải chưa đúng loại gói thầu theo danh mục phân loại; đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu đính kèm tệp tin quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, báo cáo đánh giá tổng hợp không đọc được hoặc thiếu thông tin, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc tìm kiếm thông tin.

Tin cùng chuyên mục