Nhiều dự án điều chỉnh tăng quy mô đầu tư dẫn đến phải tăng vay nợ, tạo áp lực gia tăng nợ công. Ảnh: Lê Tiên |
Bội chi, nợ công như “con ngựa bất kham”
Bộ Tài chính chuẩn bị tổng kết việc triển khai thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020 để tìm cách giảm bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài. Đánh giá việc thực hiện Quyết định 450/QĐ-TTg về chiến lược tài chính giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Tài chính nhận định là đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; đổi mới mô hình tăng trưởng; tái cơ cấu nền kinh tế;…
Tuy nhiên, để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua với mục tiêu đặt ra là phải giảm bội chi từ 6,11% GDP xuống khoảng 4% GDP; kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia;... thì công việc của ngành tài chính trong giai đoạn hiện nay không hề dễ dàng.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Trần Ngọc Vinh rất lo ngại về nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia, bởi theo ông đã ở mức báo động cao. “Tích lũy nợ công tăng chóng mặt những năm gần đây, mỗi năm tăng thêm 2% GDP, riêng năm 2015 - năm mà GDP tăng cao nhất (tăng 6,88%) trong vòng 5 năm qua thì nợ công cũng tăng cao nhất (tăng thêm 4% GDP) đã cho thấy có sự liên quan rất lớn giữa tốc độ tăng trưởng GDP và nợ công. Nợ công tăng cao, nghĩa vụ trả nợ cả gốc và lãi cũng tăng theo đang “bào mòn” NSNN” – ông Vinh bình luận.
TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đặc biệt lo ngại về thực trạng nợ công tăng nhanh và liên tục từ mức 50% GDP năm 2011 lên 54,5% GDP vào năm 2013 và 62,2% vào năm 2015 khiến áp lực trả nợ ngày càng lớn. “Chỉ riêng năm 2015, kế hoạch vay nợ đã lên đến 436.000 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch phát hành trái phiếu là 250.000 tỷ đồng, NSNN đã trở thành đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp trong huy động vốn khiến 4 tháng đầu năm nay lãi suất ngân hàng tăng trở lại” - ông Ngân lo lắng.
Bội chi tăng, theo ông Trần Ngọc Vinh một phần là do thu không đủ chi, cơ cấu chi không hợp lý; phần khác là do tình trạng lãng phí đầu tư công, đầu tư dàn trải và thất thoát, tham ô, tham nhũng. “Về lâu dài, nếu tình trạng này không được xử lý rốt ráo thì ngân sách sẽ cạn kiệt. Khi nguồn thu không đủ chi sẽ dẫn đến bội chi năm này kéo qua năm khác không kìm hãm được như con ngựa bất kham” - ông Vinh lo ngại.
Nợ nhiều nhưng chưa phát sinh nợ xấu
Theo ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, giai đoạn 2011 - 2015, NSNN phải huy động 250.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ, nhưng vẫn không đủ nên Quốc hội đã cho phép huy động thêm 170.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển cho giai đoạn 2014 - 2016. Cùng với việc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ODA, vốn đối ứng trong nước cũng phải giải ngân tăng theo khiến nợ công, nợ chính phủ tăng mạnh.
“Mặc dù vậy, trong thời gian qua các chỉ số về nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia như nợ công và nợ chính phủ/GDP, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu NSNN vẫn trong giới hạn an toàn, nhưng đứng trước nhiều khó khăn và thách thức”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đồng thời khẳng định, NSNN đảm bảo trả đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ nợ đến hạn và không phát sinh nợ xấu.
Nguyên nhân của nợ công, bội chi tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây, theo người đứng đầu ngành tài chính là do khâu huy động, phân bổ sử dụng vốn vay chủ yếu căn cứ vào đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, mà chưa đặt trong mối quan hệ chặt chẽ và cân đối với các nguồn vốn đầu tư khác, chưa bám sát vào các hạn mức nợ đã được phê duyệt để xác định mức vay cho phù hợp với khả năng trả nợ, chưa gắn trách nhiệm với người quyết định vay và người sử dụng vốn vay. “Bên cạnh đó còn có nguyên nhân một số chủ dự án chưa thực hiện tốt khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, làm giảm hiệu quả đầu tư. Nhiều dự án điều chỉnh tăng quy mô dẫn đến phải tăng vay nợ, tạo áp lực gia tăng nợ công” - ông Dũng phân tích.
Trước thực tế này, theo ông Bùi Đức Thụ, triển khai Chiến lược tài chính đến năm 2020, muốn bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, phải cơ cấu lại nguồn thu và cả nguồn chi. Cụ thể là phải quyết liệt chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; và triệt để tiết kiệm chi NSNN, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.
Còn theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thì để giảm chi trong giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội, Chính phủ chỉ ban hành các chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và phải đảm bảo được nguồn kinh phí từ NSNN; trong chi đầu tư phát triển sẽ phân bổ tập trung nguồn vốn nhằm sử dụng có hiệu quả, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm của đất nước.