Tìm cách xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản

(BĐT) - Trong bản tập hợp trả lời kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội, cử tri nhiều địa phương bày tỏ bức xúc khi vẫn chưa xử lý được triệt để các vấn đề của đầu tư công như chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB).
Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản, tạo áp lực lớn đến cân đối ngân sách nhà nước. Ảnh: Nhã Chi
Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản, tạo áp lực lớn đến cân đối ngân sách nhà nước. Ảnh: Nhã Chi

Áp lực lớn đến cân đối ngân sách

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nợ đọng XDCB là tồn tại đã kéo dài nhiều năm nhưng không được xử lý dứt điểm. Trong những năm qua, do có sự buông lỏng trong quản lý đầu tư công, nhiều dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện khi chưa cân đối được nguồn vốn, dẫn đến tình trạng đầu tư kéo dài, các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, phát sinh nhiều bất cập trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Trước khi có Luật Đầu tư công và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), do nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng lớn nên địa phương phê duyệt nhiều dự án, không tính đến khả năng cân đối nguồn vốn, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém. Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng XDCB quá mức, gây áp lực lớn đến cân đối NSNN các cấp.

Chỉ thị số 1792/CT-TTg đã khắc phục một bước các tồn tại, hạn chế nêu trên, trong đó có quy định thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, đây mới là các giải pháp cấp bách trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong quản lý đầu tư công một cách toàn diện, có hệ thống.

Báo cáo Kiểm toán số 157/BC-KTNN Quyết toán NSNN năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi tới các đại biểu Quốc hội cũng cho thấy, số nợ đọng XDCB vốn ngân sách trung ương và TPCP đến 31/12/2014 là 21.416,641 tỷ đồng; số nợ đọng XDCB vốn ngân sách trung ương và TPCP đến hết kế hoạch 2015 chưa bố trí nguồn thanh toán là 14.043,798 tỷ đồng.

Qua kiểm toán, 30/48 địa phương phát sinh nợ đọng XDCB mới 7.227,3 tỷ đồng, các cơ quan trung ương là 107,18 tỷ đồng; tỷ lệ nợ đọng XDCB đến 31/12/2015 so với tổng cho đầu tư phát triển năm 2015 của một số địa phương còn lớn; một số địa phương chưa xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng XDCB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Có khoản nợ đọng bằng cả tiền lãi của gói thầu

Qua kiểm toán, 30/48 địa phương phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới 7.227,3 tỷ đồng; tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản đến 31/12/2015 so với tổng cho đầu tư phát triển năm 2015 của một số địa phương còn lớn.
Theo ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nợ đọng XDCB cần được xác định có 2 loại, đó là nợ đọng XDCB trong khâu thanh toán và nợ đọng trong khâu bảo hành. Nợ đọng khâu thanh toán là việc công trình đã hoàn thành mà chủ đầu tư không có tiền để thanh toán cho nhà thầu. Nợ đọng trong bảo hành là việc nhà thầu đã hoàn thành việc bảo hành công trình Nhóm A (2 năm), Nhóm B và Nhóm C (1 năm) thì hết thời gian đó, chủ đầu tư vẫn không thanh toán được cho nhà thầu. Trên thực tế, mức thanh toán cho khâu bảo hành này không phải là ít, mức bảo hành ấy được một số nhà thầu phản ánh là xấp xỉ tiền lãi của gói thầu (lợi nhuận sau thuế của gói thầu). Vậy nhà thầu “sống bằng cái gì, doanh nghiệp phát triển bằng cái gì?” – ông Cận nêu thực trạng.

Cũng theo ông Cận, Luật Đấu thầu quy định điều kiện để tổ chức đấu thầu là chủ đầu tư phải có nguồn vốn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thực tế nguồn vốn đó như thế nào, có thật  không hay chỉ ghi trên giấy tờ; dự án có nằm trong kế hoạch vốn trung hạn hay không? Những quy định đó vẫn chưa có chế tài để kiểm soát. Trong khi đó, Luật Xây dựng đánh giá hiệu quả dự án còn chung chung. Cơ quan có thẩm quyền dựa vào đó ra quyết định đầu tư, dự án vẫn cứ triển khai mà không có tiền.

Ông Cận chỉ rõ thêm, có một số công trình sai hoàn toàn về thủ tục đầu tư XDCB dẫn đến không thể thanh toán được nợ đọng như: ở những dự án không được đầu tư lại vẫn thực hiện đầu tư; không nằm trong cả quy hoạch... Do đó, cần phải phân loại các loại nợ đọng XDCB để có thể thanh toán được. Những gói thầu nợ đọng do thời điểm thanh toán không có tiền nhưng dự án làm theo đúng thủ tục, trình tự, tiến độ thì phải thanh toán cho nhà thầu. 

Với những gói thầu làm quá khối lượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì cần xem xét tính hợp lý của việc làm quá khối lượng, góp phần nâng cao hiệu quả dự án thì mới được thanh toán. Việc giải quyết đối với những dự án này phải tính toán theo những dự án tầm cỡ trọng điểm quốc gia, dự án quan trọng và dự án phải nằm trong kế hoạch vốn của Nhà nước thì mới xem xét bổ sung.

Những dự án không nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (xây trường học làm xong mà không đưa vào sử dụng, làm chợ đầu mối không mang lại hiệu quả...) thì phải có nghiên cứu kỹ lưỡng để giải quyết nợ đọng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiêm túc triển khai các quy định của Luật Đầu tư công, tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành trung ương và địa phương nắm bắt và thực hiện tất cả các quy định mới của Luật và các văn bản hướng dẫn. Qua đó, gắn trách nhiệm cụ thể trong việc ra quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công của người có thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục