Đầu năm 2016, các đại gia Thái đang liên tục đẩy mạnh tốc độ thâu tóm hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ của Việt Nam. Mới đây nhất, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi - tuyên bố muốn mua lại thương hiệu Big C. Chủ thương hiệu này là Casino Group (Pháp) từng đề cập đến việc bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam - thị trường mà Casino không coi là trọng điểm.
Tỷ phú Thái Lan vừa ngỏ ý mua lại chuỗi bán lẻ Big C.
BJC cũng vừa công bố chi gần 880 triệu USD mua lại hệ thống 19 cửa hàng bán buôn và các danh mục đầu tư bất động sản liên quan thuộc Metro Cash & Carry Việt Nam. Nếu thương vụ thành công, BJC sẽ nắm trong tay hai hệ thống bán lẻ lớn bậc nhất và có lịch sử nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam. Hãng này cũng đã đầu tư vào chuỗi siêu thị Family Mart (nay đổi tên thành B's Mart).
Trước đó, Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat - đã mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Đại gia này chính là chủ của chuỗi siêu thị Robins tại Việt Nam với mục tiêu phân phối hàng Thái tại Hà Nội và TP HCM.
Dưới góc độ thương hiệu, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group - cho rằng các đại gia Thái Lan đã đi một nước cờ khá hay. Với cách này, họ có thể giảm bớt kinh phí xây dựng một thương hiệu mới từ đầu, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức. Thêm vào đó, để xây dựng một thương hiệu bán lẻ mới, trong môi trường đã có nhiều thương hiệu lớn thì sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Việc có một giấy phép kinh doanh mới trong lĩnh vực bán lẻ với các đại gia nước ngoài rất phức tạp và khó khăn.
Những thương hiệu mà các đại gia Thái Lan chọn mua đều rất lớn và có lịch sử lâu năm. Ví dụ, Metro có mặt tại Việt Nam từ năm 2002 và BigC từ năm 1998. Những thương hiệu này có hệ thống phân phối trải dài khắp đất nước, đã trở thành thói quen, ăn sâu vào tâm thức tiêu dùng của người Việt.
"Người Thái chọn cách ngắn nhất để đến thành công, đó là đầu tư một số tiền lớn ngay từ ban đầu. Không chỉ người Thái mà rất nhiều các nhà tài phiệt của kinh tế thế giới cũng chọn cách này", ông Vinh cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú - lại lo lắng hơn về tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị sẽ giảm sút sau khi kênh phân phối bán lẻ, bán buôn lần lượt vào tay các đại gia Thái Lan.
"Chắc chắn tỷ lệ 80% hàng Việt trong các siêu thị sẽ tụt xuống, nội lực mình yếu thì phải chịu thua thôi. Tỷ phú Thái Lan khi mua Metro đã tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái trong các siêu thị. Chưa cần đến người Thái thâu tóm, hiện nhiều siêu thị ở Hà Nội đã nhập hàng Thái về bán. Trong kinh doanh ai nắm được kênh phân phối thì người đó sẽ thắng", ông Phú nhấn mạnh.
Theo đó, trước đây Big C trong tay người Pháp, Metro của người Đức, doanh nghiệp không quá lo lắng trước việc hàng Đức hay hàng hoá của Pháp lấn át hàng Việt là bởi khoảng cách địa lý khá xa, vị thế hàng hoá của họ ở một đẳng cấp khác so với hàng Việt, cơ cấu kinh tế không đồng nhất.
Đến khi kênh phân phối vào tay người Thái, ông Phú lại cho rằng đó là một nguy cơ bởi hàng Thái có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt. Khoảng cách địa lý gần cùng những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ làm cho hàng Thái nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đang nhập khẩu từ Thái Lan đủ các loại mặt hàng từ những chiếc ôtô đắt tiền đến hạt muối, gia vị ăn hàng ngày. Kim ngạch nhập khẩu 11 tháng từ Thái Lan đạt 7,5 tỷ USD. Trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái chỉ chừng 2,9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đang nhập siêu khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ 2014.
Nhiều mặt hàng Thái Lan đã vươn lên vị trí dẫn đầu xuất khẩu vào Việt Nam như ôtô, rau quả-nông sản. Luỹ kế 11 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 23.516 ôtô nguyên chiếc các loại từ Thái Lan.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, người Thái đang biết tận dụng lợi thế của việc miễn giảm thuế quan trong AEC. Việc hàng Thái tràn vào Việt Nam trước hết giúp người tiêu dùng lợi vì được tiếp cận và mua những sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng. Đồng thời, hàng Thái lấn sân cũng tạo ra sức ép tốt cho doanh nghiệp Việt phải cải cách, cạnh tranh và vươn lên. Nếu không có cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ không chịu cải tiến cứ mãi ì ạch.
Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng đây cũng là một thách thức thực sự cho kinh tế Việt Nam nếu không cởi mở, cải cách toàn diện thì doanh nghiệp sẽ lâm vào khó khăn.
Ông Vũ Vinh Phú cũng nhận định đây là một thách thức lớn với doanh nghiệp. Để chống lại xâm lấn của hàng Thái, doanh nghiệp không còn cách nào khác phải liên kết, cải cách toàn diện cho ra những hàng hoá có chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành. "Không thể kêu gọi người Việt dùng hàng Việt khi sản phẩm không tốt và giá cũng không hợp lý", vị này khẳng định.
Mới đây, hãng tin Nikkei (Nhật) cũng cho rằng hàng Thái đang từng bước hất cẳng hàng Trung Quốc tại Việt Nam. Theo đó, số lượng các cửa hàng tiêu dùng chuyên bán hàng Thái xuất hiện tại Hà Nội và TP HCM ngày càng lớn với mức độ cạnh tranh hơn. Nhận thấy hàng hóa Thái đang bán chạy, nhiều hãng bán lẻ đang hoạt động tại Việt Nam như Aeon, BigC và Lotte Mart đã tăng cường tỷ lệ hàng Thái.
Hãng tin này nhận định, đối với các doanh nghiệp Thái, cơ hội làm ăn tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi hàng rào thuế quan trong AEC dần được gỡ bỏ.