Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen chưa có kế hoạch huy động thêm vốn từ cổ đông cho Hoa Sen Cà Ná. Ảnh: Nhã Chi |
Đây được coi là siêu dự án với tổng mức đầu tư dự kiến trên 10 tỷ USD. Cuộc họp đã diễn ra thành công với việc thông qua chủ trương triển khai siêu dự án nói trên.
Dư địa ngành thép
Đại diện Hoa Sen cho rằng, thị trường thép nước ta đang phụ thuộc vào nước ngoài khi nhập siêu tới 6,6 tỷ USD (năm 2015). Đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng, theo quy hoạch đến năm 2020, ngành thép sản xuất từ thép phế liệu có công suất 22 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, dự báo khả năng sản xuất chỉ đạt 6 triệu tấn/năm.
Đối với sản phẩm thép xây dựng, công suất các nhà máy sản xuất lò cao hiện chỉ đáp ứng 40% nhu cầu trong nước. Hơn 60% nguyên liệu cho sản xuất thép xây dựng phụ thuộc vào thép phế liệu và phôi nhập khẩu.
Mức tiêu thụ thép bình quân đầu người Việt Nam năm 2015 là 182 kg/người, trong khi mức bình quân thế giới là 208 kg/người. Tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, mức tiêu thụ lên đến cả nghìn kg/người… Dư địa cho ngành thép Việt Nam nói chung vẫn còn rất lớn.
Dự án chục nghìn tỷ, vốn đâu ra?
Với vốn đầu tư 10 tỷ USD, riêng giai đoạn I.1 của Dự án đã “ngốn” số tiền gần 14 nghìn tỷ đồng, không ít cổ đông băn khoăn về nguồn vốn mà Hoa Sen huy động. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết: “Đừng quá lo lắng nguồn vốn đầu tư vào dự án Cà Ná vì tôi đã lo xong hết rồi”. Củng cố luận điểm này, Hoa Sen cho biết Vietinbank đã ký hợp đồng tín dụng trị giá 500 triệu USD với Công ty.
Hiện Hoa Sen chưa có kế hoạch phát hành huy động thêm vốn từ cổ đông cho dự án này. Với vai trò là cổ đông lớn, trực tiếp và gián tiếp sở hữu 45% vốn điều lệ của Hoa Sen, rõ ràng ông Lê Phước Vũ không mong muốn cổ phiếu bị pha loãng bởi các đợt phát hành thêm. Trong vài năm trở lại đây, vốn điều lệ của Hoa Sen chỉ tăng thông qua việc chi trả cổ tức.
Trong giai đoạn I.1, tổng số vốn là 13.850 tỷ đồng (11.150 tỷ đồng vốn cố định, 2.700 tỷ đồng vốn lưu động). Trong số đó, chỉ 2.500 tỷ đồng là vốn tự có của Hoa Sen, còn lại là vốn vay trung và ngắn hạn. Rõ ràng, dự án của Hoa Sen phụ thuộc phần lớn vào vốn vay. Giai đoạn này dự kiến kéo dài đến hết năm 2027.
Trong vòng 10 năm nữa, vốn điều lệ của Hoa Sen tăng lên 10.000 tỷ đồng, thậm chí 20.000 tỷ đồng, thì giá cổ phiếu HSG vẫn ở mức 4 “chấm” (trên 40.000 đồng/CP) mà không bị pha loãng, ông Vũ tự tin.
Liên quan đến vấn đề môi trường, ông Vũ cho rằng, nhiều người đã quá lo lắng, tất nhiên đó là lo lắng chính đáng và có trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thế giới không thiếu những dự án thép nằm ngay giữa các thành phố, như Thượng Hải, Amsterdam… Họ làm được, thì mình hoàn toàn có thể làm được.
Về khác biệt công nghệ giữa Hoa Sen và Formosa, người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen cho biết, Formosa gây ô nhiễm biển là do công ty này thu hồi cốc trong quá trình sản xuất, tạo Xyanua và Phenol. Công nghệ của Hoa Sen thu hồi điện, không tạo ra cốc.
Theo thông tin được chia sẻ tại ĐHĐCĐ của Công ty, siêu dự án đã được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, phân phối thép giai đoạn 2020 - 2025.